"Châu Âu cần mạnh tay giải quyết khó khăn kinh tế"

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng châu Âu cần hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết khủng hoảng nợ công và vấn đề thâm hụt ngân sách.
Các nước châu Âu cần hành động mạnh mẽ hơn để tạo dựng niềm tin rằng họ có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ công và vấn đề thâm hụt ngân sách của mình.

Đây là phát biểu ngày 8/9 của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, một ngày trước khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-7) họp tại Marseille, Pháp.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ, chính phủ các nước châu Âu cần phối hợp hành động và cùng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có các bước đi cụ thể nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính châu Âu, đồng thời đảm bảo các chính phủ có thể được vay tiền với lãi suất hợp lý sau khi đã thực hiện các cam kết cải cách.

Ông cũng cho rằng để nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng, với tư cách là nền kinh tế đầu tàu thế giới, Mỹ cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm.

Trong khi đó, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác cần chú trọng tới các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và duy trì một chính sách tỷ giá linh hoạt.

Bộ trưởng Tài chính Geithner nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn giữa trong đợt giảm tốc thứ hai của quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Vấn đề đặt ra lúc này không phải là thực lực của mỗi nước trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế mà là ý chí chính trị của các nước để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.

Ông bày tỏ quan ngại về khả năng của các nước châu Âu trong việc duy trì Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi mà tình hình của nền kinh tế Hy Lạp ngày càng xấu đi.

Lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh tới tinh thần đoàn kết mà các nước trên thế giới đã thể hiện để cùng đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, những thách thức hiện nay đã khác, đòi hỏi sự thay đổi trong phản ứng của các nước.

Theo Bộ trưởng Geithner, mặc dù các ngân hàng trung ương còn nhiều công cụ để đối phó với các khó khăn, song tồn tại "nhiều hạn chế" trong lựa chọn chính sách của các chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục