Theo tạp chí The Economist của Anh, các nhà ngoại giao và quan chức châu Âu gần đây đặc biệt chú ý tới các diễn biến ở Quốc hội Anh và đang ngày càng quan ngại.
Trong một tuần, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thất bại trong sáu lần bỏ phiếu tại Hạ viện, mất thế đa số tại Quốc hội, mất một nhóm nghị sỹ và hai bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ.
Nhiều người đang tỏ ra lo ngại trước việc ông Johnson khẳng định sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10, "làm hay chết," có nghĩa là ra đi có thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận.
Một ví dụ liên quan đến bộ luật mới yêu cầu ông Johnson tìm cách thỏa thuận với EU để gia hạn Brexit thay vì chấp nhận không có thỏa thuận. Tuyên bố của ông Johnson rằng ông "thà chết trong một mương" còn hơn là đi xin gia hạn là một mối đe dọa đối với pháp quyền.
Ví dụ thứ hai là việc đóng cửa Quốc hội trước đó, điều nhiều người cho rằng được thực hiện chỉ để tránh việc chính phủ bị cơ quan lập pháp giám sát hơn nữa.
Vào ngày 9/9, Tòa án tối cao Scotland dường như đã tán thành quan điểm này bằng phán quyết rằng ông Johnson tư vấn cho Nữ hoàng đình chỉ Quốc hội để ông có thể chuẩn bị chương trình nghị sự lập pháp mới là trái pháp luật - thực tế là cáo buộc Thủ tướng "lừa dối" Nữ hoàng.
Chính phủ đang kháng cáo phán quyết của Tòa án tối cao Scotland lên Tòa án tối cao Vương quốc Anh. Tòa án này sẽ xem xét vụ việc này vào tuần tới với các kháng cáo từ các vụ việc tương tự ở xứ Anh và Bắc Ireland.
Phán quyết Tòa án ở xứ Anh là việc đình chỉ Quốc hội là một vấn đề chính trị, không phải là vấn đề thuộc quyền xét xử, Tòa án tối cao Vương quốc Anh có thể đồng ý như thế.
Tuy nhiên, Tòa án tối cao Vương quốc Anh có thể không đồng ý với quan điểm trên, trong trường hợp đó, sẽ có áp lực đòi ông Johnson phải từ chức. Một số luật sư thậm chí còn cho rằng Tòa án tối cao Vương quốc Anh có thể chứng thực cả hai bản án, bởi luật pháp Scotland khác với luật của xứ Anh.
Bất cứ điều gì xảy ra, tuyên bố rằng ông Johnson đã lừa dối Nữ hoàng cũng sẽ vang đến Brussels. Tuần tới sẽ đánh dấu một tháng ngày ông Johnson gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, người dường như đặt ra thời hạn 30 ngày để tìm ra một giải pháp đáng tin cậy thay thế cho điều khoản "chốt chặn" ở Ireland mà ông Johnson muốn loại bỏ khỏi Thỏa thuận ra đi của người tiền nhiệm, bà Theresa May.
Tuy nhiên, Vương quốc Anh vẫn chưa đưa ra được một đề xuất nào. Khi ông Johnson gặp Thủ tướng Ireland Leo Varadkar ở Dublin, ông tuyên bố đang làm việc để đạt được một thỏa thuận và gọi Brexit không có thỏa thuận là một "thất bại của nghệ thuật lãnh đạo đất nước."
Tuy nhiên, Thủ tướng Ireland đáp lại rằng không có kế hoạch "chốt chặn" có nghĩa là không có thỏa thuận và nói thêm rằng không thể thay thế một bảo đảm pháp lý là không có biên giới cứng ở Ireland bằng một lời hứa đơn thuần.
Các nhà ngoại giao cho rằng các cuộc đàm phán hai lần một tuần hiện đang diễn ra với ông David Frost, cố vấn về vấn đề EU của Thủ tướng Johnson. Vào cuối tháng Tám, thậm chí còn có ý kiến về việc điều chỉnh điều khoản chốt chặn bằng cách thu hẹp lại chỉ bao gồm các loại thực phẩm nông nghiệp hoặc đặt giới hạn về thời gian.
EU có thể sẽ vui vẻ chấp nhận áp dụng điều khoản "chốt chặn" chỉ với Bắc Ireland, chứ không phải toàn bộ Vương quốc Anh. Quan điểm chốt chặn chỉ áp dụng đối với duy nhất Bắc Ireland ban đầu được đưa ra trong thỏa thuận của bà May.
Quan điểm này đã được thay thế bằng quan điểm chốt chặn cho cả Vương quốc Anh chỉ vì Đảng Liên minh Dân chủ, đảng mà bà May phải phụ thuộc vào để có thế đa số tại Quốc hội, khẳng định là không thể có các điểm kiểm tra biên giới mới ở Biển Ireland.
Vì ông Johnson hiện không còn thế đa số tại Quốc hội, một số cố vấn của ông Johnson muốn quay lại với ý tưởng "chốt chặn" chỉ áp dụng với Bắc Ireland.
Tuy nhiên, quan điểm của EU đối với vấn đề Brexit đã trở nên cứng rắn hơn vì ba lý do. Đầu tiên là ông Johnson đã đưa ra thêm các yêu cầu mới. Ông Johnson muốn bỏ những cam kết sẽ duy trì một sân chơi bình đẳng đối với các quy định và Vương quốc Anh không tham gia các hợp tác quốc phòng trong tương lai.
[Quan chức Liên minh châu Âu lạc quan về triển vọng Brexit có trật tự]
Những lời hứa này nằm trong tuyên bố chính trị về mối quan hệ trong tương lai, không phải là trong thỏa thuận ra đi, nhưng việc loại bỏ những cam kết này vẫn gửi đi một tín hiệu không được hoan nghênh. EU thấy rõ rằng nếu không có sự đảm bảo về sân chơi bình đẳng, họ không thể cung cấp một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada cho Anh vì sợ bị cạnh tranh khốc liệt.
Thứ hai là việc ông Johnson mất quyền kiểm soát Quốc hội. Giống như với bà May hồi đầu năm nay, các nhà đàm phán EU băn khoăn rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào mà họ có thể đưa ra vẫn sẽ thấy thỏa thuận Brexit bị Quốc hội bác bỏ. EU đã nhận thấy rằng các nghị sỹ dễ nói những gì họ chống lại hơn là nói những gì họ ủng hộ.
EU biết nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ sẽ vẫn phản đối thỏa thuận ra đi của bà May ngay cả khi thỏa thuận đó không có điều khoản chốt chặn. Và EU cũng nhìn thấy triển vọng tổng tuyển cử sớm đang gia tăng mà không có điều gì chắc chắn là ông Johnson sẽ giành chiến thắng.
Thứ ba là luật buộc Thủ tướng phải tìm cách gia hạn nếu không đạt được thỏa thuận nào trước ngày 19/10. Mặc dù Thủ tướng Boris Johnson đe dọa sẽ phớt lờ luật này, các nhà lãnh đạo EU hy vọng rằng, nếu không đạt được một thỏa thuận, EU sẽ nhận được yêu cầu xin kéo dài thời hạn Brexit.
Và mặc dù nhiều người đã chán ngán với Brexit và cần một lý do chính đáng cho việc tiếp tục gia hạn một lần nữa, nhưng sẽ không ai phủ quyết chỉ vì EU muốn tránh mọi cáo buộc rằng EU đã gây ra Brexit không có thỏa thuận.
Vì lý do tương tự, các ý kiến cho rằng ông Johnson có thể làm thất bại việc gia hạn bằng cách đe dọa cư xử một cách tồi, từ chối đề cử một ủy viên hoặc đề nghị một nhà lãnh đạo thân thiện trong EU ngăn chặn thông qua việc gia hạn, là không có khả năng chứng minh tính xác thực.
Nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra, EU muốn một điều rõ ràng rằng đó là do sự lựa chọn của Vương quốc Anh, không phải do nhu cầu cần thiết phải như thế.
Một lập luận tương tự được đưa ra chống lại những tuyên bố lặp đi lặp lại của ông Johnson rằng EU sẽ chỉ trao cho ông những gì ông muốn vào phút cuối, nếu ông đe dọa việc ra đi không thỏa thuận một cách đáng tin cậy.
Đúng là không ai muốn không có thỏa thuận, điều này sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu ở châu Âu lục địa cũng như ở Vương quốc Anh và Ireland.
Tuy nhiên, EU đánh giá cao những lợi ích của Ireland với tư cách là thành viên EU, tính toàn vẹn của thị trường chung và những luật lệ nền tảng cho thị trường chung đó, và không muốn phải nhượng bộ trong tình trạng bị yếu thế.
Điều gì sẽ xảy ra khi Hội đồng châu Âu họp tại Brussels vào ngày 17/10? Dường như rõ ràng rằng sẽ không có một cuộc bầu cử diễn ra trước đó, vì vậy các nhà lãnh đạo EU biết rằng họ sẽ phải đối mặt với ông Johnson lần đầu tiên (và một số người hy vọng sẽ là lần cuối cùng).
Một số nhà ngoại giao lo ngại rằng ông Johnson sẽ đưa ra một đề xuất tại cuộc họp chỉ với hy vọng đưa hội nghị thượng đỉnh đến thỏa thuận ngay lập tức thay vì mạo hiểm với kết quả không thỏa thuận.
Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị thích hợp, các hội nghị thượng đỉnh không phải là nơi tốt để tiến hành các cuộc đàm phán chi tiết. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo có thể sẽ đề nghị gia hạn thời hạn 31/10 đến hết tháng 1/2020 và sau đó chờ đợi một cuộc bầu cử sớm.
Đội ngũ cố vấn của Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn khẳng định Brexit sẽ diễn ra vào ngày 31/10. Tuy nhiên, đạt được một thỏa thuận là một chặng đường dài. Thủ tướng Boris Johnson dường như muốn chạy đua trong một cuộc tổng tuyển cử.
Thủ tướng Johnson có thể giành chiến thắng, mặc dù kết quả các cuộc thăm dò là không ổn định. Nếu ông Johnson giành chiến thắng, ông sẽ phải đối mặt với những yêu cầu tương tự ở Brussels.
Chỉ khi đưa ra một giải pháp thay thế đáng tin cậy, đúng pháp luật cho vấn đề "chốt chặn" ở Ireland mà giải pháp đó có thể được thông qua ở Quốc hội, thì ông Johnson mới có thể đạt được một thỏa thuận Brexit. Đây sẽ vẫn là một yêu cầu rất cao./.