Châu Âu yêu cầu nới lỏng các hạn chế đi lại với người đã tiêm vaccine

Ủy ban châu Âu đã đề nghị các quốc gia thành viên xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại trong mùa Hè này, đặc biệt là đối với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Châu Âu yêu cầu nới lỏng các hạn chế đi lại với người đã tiêm vaccine ảnh 1Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Helsinki-Vantaa, Phần Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu cải thiện và các chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy nhanh, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - đã đề nghị các quốc gia thành viên xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại trong mùa Hè này, đặc biệt là đối với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu ngày 31/5, Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reyders nhấn mạnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều tích cực tại các quốc gia EU khi trong những tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm. Điều này cho thấy hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn EU.

Trong bối cảnh này, nhiều nước đang dần dỡ bỏ các hạn chế phòng chống COVID-19.

Xuất phát từ thực tế này, EC nêu đề xuất bằng chứng về việc tiêm chủng có giá trị ít nhất là 14 ngày sau khi tiêm. Đây cũng là một trong những quy định của chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 sắp có hiệu lực từ ngày 1/7.

[G20 ủng hộ sáng kiến di chuyển quốc tế an toàn để khởi động du lịch]

Những người được cấp chứng nhận phù hợp với chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của EU sẽ được miễn xét nghiệm hoặc cách ly liên quan đến du lịch trong 180 ngày đầu tiên sau khi xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính.

EC cũng đang thúc đẩy việc kéo dài thời hạn hiệu lực của các xét nghiệm PCR (lên 72 giờ thay vì 48 giờ và duy trì 48 giờ đối với các xét nghiệm kháng nguyên nhanh). Trẻ em dưới 6 tuổi được miễn xét nghiệm.

Trong khi đó, Italy và Bồ Đào Nha yêu cầu tất cả du khách kể cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào các quốc gia này.

Cơ quan hành pháp của châu Âu cũng đề nghị không nên áp đặt biện pháp cách ly đối với những người đến từ "vùng cam," đồng thời đề xuất nới lỏng các tiêu chí xác định các khu vực màu cam và đỏ.

Một khu vực có thể được coi là màu cam khi có tổng số ca mắc COVID-19 mới được thông báo dưới 75/100.000 dân trong thời gian 14 ngày (tăng so với mức 50 ca hiện tại) nhưng tỷ lệ xét nghiệm dương tính từ tất cả các xét nghiệm COVID-19 là 4% trở lên.

Một khu vực sẽ được coi là vùng đỏ nếu có từ 75-150 ca mắc mới/100.000 dân trong cùng thời kỳ và tỷ lệ lây nhiễm là 4% trở lên (so với từ 50-150 ca hiện nay).

Tuy nhiên, một số quốc gia tỏ ý e ngại về những đề xuất của EC, trong đó có Bỉ.

Các nước như Hungary, Romania, Cyprus thực hiện giám sát bộ gene không đầy đủ và các quốc gia khác hiện đang mang màu cam, nghĩa là không yêu cầu xét nghiệm hoặc cách ly, như Bồ Đào Nha, để thu hút khách du lịch từ các khu vực khác nhau.

Như vậy, các nước này dễ trở thành một địa điểm khiến lây truyền các biến thể của virus SARS-CoV-2 giữa những người thuộc các quốc tịch khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục