Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa dịch COVID-19 ở các nước thành viên, câu hỏi về "hộ chiếu vaccine" cho phép công dân châu Âu đi lại trong lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên bức thiết.
Trên tinh thần này, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất thiết lập một tài liệu được gọi là "chứng chỉ xanh kỹ thuật số," đưa ra một cách tiếp cận thống nhất trên cấp độ châu Âu.
Được khởi động vào ngày 27/12, chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 của các quốc gia thành viên EU đang đạt mức độ thành công khác nhau. Bất chấp sự chênh lệch về tỷ lệ dân số được tiêm liều đầu tiên giữa các quốc gia cùng với vấn đề về nguồn cung và sự thiếu hụt cục bộ, song các chiến dịch tiêm chủng làm tăng hy vọng về khả năng đạt miễn dịch tập thể trong những tháng tới.
Trong khi chờ đợi điều này xảy ra, một số vấn đề nảy sinh, như việc tạo ra "hộ chiếu vaccine châu Âu" được EC đổi tên thành "chứng chỉ xanh kỹ thuật số."
Đây là một chủ đề gây chia rẽ 27 nước EU, khi các tuyên bố và quyết định khác nhau của những người đứng đầu Nhà nước và chính phủ các nước thành viên kể từ tháng Một.
Vào tháng 1/2021, ý tưởng lần đầu tiên được Thủ tướng Hy Lạp Kyriákos Mitsotákis đưa ra là tạo ra một văn bản thống nhất ở cấp EU, cho phép các công dân đã được tiêm phòng sở hữu một chứng nhận về việc họ đã được tiêm phòng virus SARS-Cov-2.
Văn bản trên nhằm mục đích để công dân xuất trình khi đi du lịch trên lãnh thổ EU, cho phép họ được đi lại tự do đến một quốc gia thành viên khác mà không cần phải xuất trình các xét nghiệm PCR âm tính hay thực hiện cách ly 14 ngày.
Theo Thủ tướng Mitsotákis, đề xuất của ông không phải là "điều kiện tiên quyết để đi lại" mà là một hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong EU.
Ngoài Hy Lạp, các nước như Malta, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với "hộ chiếu vaccine." Vì nền kinh tế của các quốc gia kể trên chủ yếu dựa vào du lịch nội châu Âu, việc thiết lập một hệ thống như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể đón các du khách vào mùa Hè, nhờ vậy các hoạt động của ngành khách sạn và nhà hàng được hồi sinh.
[Người dân châu Âu trước nhu cầu bức thiết về hộ chiếu vaccine]
Chính phủ các nước này coi hộ chiếu vaccine như một giải pháp hữu hiệu để các tổ chức châu Âu có thể thoát khỏi tình thế khó xử hiện đang phải đối mặt: Duy trì việc di chuyển tự do, một nguyên tắc nền tảng của EU, đồng thời hạn chế rủi ro lây lan của dịch bệnh.
Ngược lại, Pháp, Đức và Hà Lan ban đầu bày tỏ nghi ngờ về việc triển khai hệ thống này trong những tháng tới. Tuy nhiên, họ đã dần dần xem xét lại quan điểm của mình và từ đó đề xuất các phương án thay thế.
Vào tháng Một, Paris đã đưa ra một số lý lẽ để hoãn việc tạo ra một hệ thống như vậy. Dựa trên thực tế là chỉ có một phần rất nhỏ dân số châu Âu đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, thời gian để tiêm phòng vẫn còn nhiều và giờ chưa phải lúc bàn tới những hệ lụy nảy sinh từ vấn đề di chuyển của người dân.
Cũng vào tháng Một, Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune cho biết, đó cũng chính là lý do khiến Pháp cho rằng EU không nên mở cuộc thảo luận và khi việc tiếp cận với vaccine được đại trà hơn, vấn đề sẽ thay đổi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 5 khi đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng nói rằng với tính chất không bắt buộc của việc tiêm chủng ở Pháp, việc đưa ra giấy chứng nhận tiêm chủng là điều không tưởng. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên, và thậm chí các công ty tư nhân tạo chứng chỉ của riêng họ để đảm bảo sự miễn dịch của khách du lịch đối với COVID-19.
Những sáng kiến
Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) đã soạn thảo một "thẻ thông hành về du lịch " - một nền tảng tổng hợp các yêu cầu của từng quốc gia và tập trung các thông tin sức khỏe của khách du khách.
Một dự án nhằm hồi sinh lĩnh vực hàng không vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Air France đã tung ra “thẻ sức khỏe” của riêng mình vào ngày 11/3.
Một số quốc gia đã tham gia vào những hành động tương tự, bao gồm cả ở châu Âu. Bên cạnh Iceland, quốc gia đã triển khai một hệ thống như vậy, Ba Lan, Hungary, Thụy Điển và Đan Mạch đã hoặc sẽ cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho du khách nước ngoài và công dân của chính mình.
Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus cũng làm điều tương tự với Israel bằng cách ký một thỏa thuận song phương cho phép các công dân được tiêm chủng của họ có thể đi đến hai bên bờ của Địa Trung Hải.
Estonia, rất tiên tiến trong chính sách số hóa các dịch vụ hành chính của mình, cũng đã ký một thỏa thuận với WHO để thiết lập việc trao đổi thông tin và chứng chỉ kỹ thuật số về tiêm chủng ngừa COVID-19.
Phần Lan cũng có thể đi theo hướng này. Về phần mình, Ba Lan, Estonia, Lithuania và Romania đã chấp nhận khách du lịch xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh vào lãnh thổ của họ mà không cần chứng minh thêm.
Việc phải chứng minh tình trạng miễn dịch là không có gì mới. Ví dụ, nhiều nước đã yêu cầu giấy chứng nhận vaccine sốt vàng, bằng chứng là danh sách này do Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập. Đây là lý do sổ tiêm chủng quốc tế được tạo ra.
Cần phải có một sổ màu vàng để đi du lịch đến một số quốc gia nhất định, đặc biệt là châu Phi, nơi căn bệnh này đặc biệt hoành hành. Tuy nhiên, sự bắt buộc này liên quan đến các luồng dân cư nhỏ hơn so với các luồng dân cư di chuyển tự do của châu Âu.
Về phía Pháp, ngày 25/2, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo đang xem xét thiết lập hệ thống thẻ sức khỏe. Thẻ kỹ thuật số này sẽ tập trung thông tin về tình hình tiêm chủng cũng như các xét nghiệm PCR và huyết thanh. Không bắt buộc, nên thẻ này sẽ không đồng nghĩa với giấy phép đi lại tự do, nhưng sẽ cho phép thường xuyên lui tới các quán bar và nhà hàng.
Nhờ đó, các cơ sở này có thể mở cửa trở lại cho mọi người mà không có bất kỳ nguy cơ lây nhiễm nào. Một hệ thống gợi nhớ đến cơ chế hiện đang được thử nghiệm ở Israel, nơi các công dân đã tiêm chủng được cấp "thẻ COVID-19" cho phép họ lui tới các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm ở nước này trong 6 tháng.
Do đó, đối mặt với sự gia tăng của các sáng kiến quốc gia kể trên, toàn bộ vấn đề đối với các thể chế của EU là để ngăn chặn một sự hỗn loạn trên bình diện châu Âu về vấn đề này mà không vi phạm các quyền cơ bản của công dân.
Đề xuất của EC
Nếu Ủy ban châu Âu (EC) đã nhắm đến việc tạo ra một hộ chiếu vaccine điện tử ở cấp độ châu Âu vào năm 2019, thì sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tình hình. Dịch bệnh này đã làm tê liệt toàn EU và khiến các quốc gia thành viên phải thiết lập các hạn chế về di chuyển tự do của người dân.
Ngày nay, hộ chiếu vaccine là một vấn đề lớn, vì nó đã trở thành một công cụ tiềm năng cho phép mọi người di chuyển tự do trong lãnh thổ của EU.
Đối mặt với các quan điểm của do người đứng đầu các chính phủ, chỉ vài ngày sau khi khởi động các chiến dịch tiêm chủng vào cuối tháng Mười Hai, EC đã đặt sự thận trọng lên hàng đầu.
Lúc này EC có quan điểm gần với Pháp, cho rằng trước tiên cần phải tập trung vào chiến lược tiêm chủng trước khi đặt câu hỏi về những tác động lên việc di chuyển tự do.
Tuy nhiên, vào giữa tháng Một, EC đã nhanh chóng bày tỏ rằng mình ủng hộ "bằng chứng tiêu chuẩn của việc tiêm chủng." Quan điểm này được Hội đồng châu Âu ủng hộ trong Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai, trong đó lãnh đạo 27 nước EU giao nhiệm vụ cho EC thiết lập một đề xuất pháp lý.
Đề xuất này đã được công bố vào ngày 17/3, liên quan đến việc tạo ra một “chứng chỉ xanh kỹ thuật số” ở cấp độ châu Âu.
Sự khác nhau giữa hộ chiếu tiêm chủng và chứng chỉ xanh
Từ những tuyên bố đầu tiên ủng hộ sáng kiến như vậy, EC đã ưu tiên việc gọi là "chứng chỉ xanh" hơn là "hộ chiếu vaccine." Đằng sau sắc thái ngữ nghĩa này, có hai vấn đề chính: Chứng chỉ này không phải là tài liệu thiết yếu để có thể đi lại trong lãnh thổ của EU - do đó nó không phải là hộ chiếu - và chứng chỉ cũng bao gồm các thông tin khác chứng minh sự miễn dịch của du khách người việc được tiêm phòng, như xét nghiệm PCR và xét nghiệm huyết thanh.
Cụ thể, chứng chỉ xanh kỹ thuật số này do đó sẽ cho phép công dân châu Âu và công dân nước thứ ba sống trên lãnh thổ của Liên minh có thể chứng nhận sự miễn dịch của họ theo ba cách khác nhau.
Bằng cách chứng minh rằng họ đã được chủng ngừa, hoặc bằng xét nghiệm PCR âm tính hoặc bằng xét nghiệm huyết thanh để cho thấy rằng họ đã mắc bệnh gần đây.
Hệ thống này cũng sẽ được mở rộng sang Iceland, Na Uy, Thụy Sỹ và Liechtenstein. Cần lưu ý rằng các nước thành viên sẽ được tự do đưa vào trong giấy chứng nhận xanh này đối với cả những người đã tiêm vaccine chưa được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) và EC cho phép. Hungary, Slovakia và Ba Lan đã mua dự trữ vaccine của Sinopharm và Sputnik V, hai loại của Nga và Trung Quốc chưa được EMA xác nhận.
Do đó, công dân của họ có thể được hưởng lợi từ chứng chỉ xanh. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ sẽ do các quốc gia thành viên quyết định, với các mức trần nhất định được xác định ở cấp độ châu Âu (chứng chỉ huyết thanh học không được sử dụng quá 6 tháng).
Tuy nhiên, chứng chỉ này sẽ không được gây khó khăn cho việc đi lại trong lãnh thổ của EU. EC quy định rõ chứng chỉ phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tự do di chuyển.
Nếu được áp dụng theo cách thức này, đề xuất của EC sẽ cho thấy khả năng các chính phủ duy trì nghĩa vụ kiểm dịch nếu họ muốn, nhưng họ sẽ phải giải trình lý do cho Brussels. Về phần mình, các công dân châu Âu không có chứng chỉ xanh hoàn toàn có thể tiếp tục lưu thông trong lãnh thổ của EU trong các điều kiện hiện tại.
Cụ thể, chứng chỉ xanh này sẽ có sẵn ở dạng kỹ thuật số và được xác thực bằng mã QR để tránh gian lận và sự phát triển của thị trường chợ đen. Mỗi cơ sở cấp phiếu kết quả xét nghiệm, tiêm chủng đều có chữ ký số riêng. Những dữ liệu được xác thực này sau đó sẽ được biên soạn và bảo vệ bởi mỗi nước thành viên.
Về phần mình, EC sẽ tạo ra một cổng thông tin tập trung liên kết với tất cả các cơ quan quản lý có liên quan của các quốc gia thành viên, các trung tâm tiêm chủng đến cơ quan hải quan. Nói cách khác, EC hiện không có kế hoạch thiết lập một cơ sở dữ liệu duy nhất mà để tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin được dễ dàng ở cấp quốc gia.
Cuối cùng, dữ liệu xuất hiện trên chứng chỉ xanh sẽ được viết bằng ngôn ngữ của quốc gia thành viên cấp cũng như bằng tiếng Anh.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định rằng chứng chỉ xanh này có thể có hiệu lực "vào mùa Hè." Chứng chỉ này cũng có thể được mở rộng sang các nước thứ ba khác và có thể cho phép công dân nước ngoài đến lãnh thổ của EU.
Dù vậy, từ quan điểm y tế, hai vấn đề vẫn còn đang treo. Các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác mức độ mà những người được tiêm chủng vẫn có thể truyền virus hay không, cũng như không thể xác định chắc chắn thời gian miễn dịch được đảm bảo bởi 4 loại vaccine được cấp phép ở châu Âu (Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Janssen).
WHO đã cảnh báo hai lần về điểm này vào tháng 4 và 7/2020, khẳng định rằng hộ chiếu vaccine không thể được coi là hộ chiếu miễn dịch theo kiến thức khoa học hiện nay. Tuy nhiên, một nghiên cứu khoa học của Israel được công bố vào ngày 8/2 chỉ ra rằng tải lượng virus của những người được tiêm chủng trong 2 tuần đã giảm 75%.
Ngay cả trong mỗi quốc gia thành viên, sự phân biệt giữa những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng cũng có thể mở ra cánh cửa cho các hình thức phân biệt đối xử, bằng cách cho phép những người đã được tiêm ngừa đến nhà hàng và rạp chiếu phim, vốn bị cấm đối với những người không được tiêm chủng.
Hộ chiếu tiêm chủng cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề bảo vệ dữ liệu. Vào tháng 6/2020, người giám sát bảo vệ dữ liệu châu Âu Wojciech Wiewiórowski nhấn mạnh rằng việc cấu thành một hồ sơ dữ liệu như vậy có nguy cơ cao vi phạm các quyền cơ bản của người dân châu Âu và dẫn đến ý tưởng về một hình thức hộ chiếu vaccine "cực đoan."
Về phần mình, EC đảm bảo rằng chỉ những dữ liệu y tế thiết yếu mới phải công khai cho mục đích tự do di chuyển, trong khi các thông tin khác sẽ phải được các quốc gia thành viên lưu giữ cẩn thận./.