Ngày 2/3, trao đổi với phóng viên TTXVN, bác sỹ Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cho biết trường hợp cháu bé N.T.G.L (sinh năm 2003), trú tại xã Duy Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương) vừa tử vong không phải do bị bệnh viêm não mô cầu.
Theo thông tin ban đầu, ngày 28/2, cháu L bị sốt nhẹ (37,5 độ C) với các triệu chứng mệt, váng đầu. Đến 2 giờ 30 ngày 1/3, cháu L tử vong.
Theo bác sỹ Nguyễn Đình Thực, kết quả điều tra cho thấy bệnh nhân tử vong không phải do các bệnh truyền nhiễm gây dịch và nguyên nhân tử vong có thể là do đột quỵ.
Trước đó, tại Hải Dương đã có 1 bệnh nhân tử vong do viêm não mô cầu. Bệnh nhân là Đ.T.X (sinh năm 1998), trú tại phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, là học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh, thành phố Hải Dương.
Theo thông tin từ gia đình em X, ngày 20/2, X bị sốt nhẹ, đau đầu. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, em đi vệ sinh và bị ngã, gia đình đã đưa em đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Khi bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn và chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tại Bệnh viện 108, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu. Đến 10 giờ ngày 22/2, bệnh nhân X. đã tử vong.
Bác sỹ Nguyễn Đình Thực cũng cho biết sau thời gian theo dõi từ ngày 20 đến ngày 29/2, 50 người tiếp xúc với bệnh nhân X vẫn hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện của triệu chứng lâm sàng.
Tuy nhiên, tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, số người đưa con em đến tiêm vắcxin phòng bệnh viêm não mô cầu vẫn tăng đột biến. Trung tâm đã mở thêm 4 bàn tiêm chủng, huy động tối đa nhân lực để đáp ứng yêu cầu của người dân.
Hiện nay, Trung tâm có đủ lượng vắc xin viêm não mô cầu để đáp ứng nhu cầu tiêm của người dân.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cũng khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các dung dịch tẩy rửa thông thường; giặt quần áo, dụng cụ, đồ vải... và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Các gia đình và nhà trường cũng được hướng dẫn thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo không khí thông thoáng; khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần khẩn trương đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất./.