Châu Phi bắt đầu phát triển nông nghiệp toàn diện

Châu Phi đã thúc đẩy Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện sau khi các nước nhóm G8 bắt đầu giải ngân nguồn vốn hỗ trợ.
Ngày 3/9, Ngân hàng thế giới và Thị trường chung miền Đông và Nam châu Phi (COMESA) cho biết châu lục Đen đã thúc đẩy Chương trình châu Phi phát triển nông nghiệp toàn diện (CAADP) sau khi các nước công nghiệp phát triển G8 bắt đầu giải ngân nguồn vốn cam kết 22 tỷ USD trong Chương trình an ninh lương thực và nông nghiệp toàn cầu của G8 nhằm hỗ trợ an ninh lương thực của châu Phi.

Theo cam kết của G8 tại Hội nghị cấp cao năm 2009 ở Italy, Ngân hàng Thế giới sẽ quản lý nguồn vồn 22 tỷ USD này, trong đó Mỹ, Tây Ban Nha, Canada và Hàn Quốc cùng với Quỹ Bill & Melinda Gates đóng góp nguồn vốn là các đối tác phát triển.

CAADP đã được hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi phê chuẩn năm 2003, theo đó các nước châu Phi cam kết tăng chi phí cho nông nghiệp 6% hàng năm để đối ứng. Mục tiêu của CAADP là giúp châu Phi đảm bảo an ninh lương thực và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn thông qua ưu tiên phát triển nông nghiệp.

Tiến sĩ Nalishebo Meebelo, điều phối viên của COMESA về CAADP nhấn mạnh bốn trụ cột của chương trình này bao gồm hỗ trợ quản lý bền vững nguồn nước và đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng thương mại và tiếp thị, tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng, thúc đẩy nghiên cứu nông nghiệp, đồng thời mở rộng đào tạo để tiếp thụ và áp dụng các kỹ thuật mới.

Các nước Togo, Sierra Leone và Rwanda đã tiếp nhận nguồn vốn này và sau đó là các nước Ethiopia, Uganda, Kenya, và Malawi sẽ tiếp nhận vốn vào cuối tháng 9. Nhiều nước châu Phi khác tiếp tục liên kết chương trình nông nghiệp quốc gia với CAADP của G8 để tiếp nhận nguồn vốn.

Ưu tiên chiến lược phát triển nông nghiệp của các nước châu Phi là tăng năng suất và sản lượng lương thực, phát triển công nghiệp chế biến, tăng năng lực tiếp thị , phát triển nguồn nhân lực và năng lực thể chế, mở rộng hành lang phát triển và thương mại ưu tiên khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục