Trang theconversation.com đăng bài của John J Stremlau, Giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế, Đại học Witwatersrand (Nam Phi) về triển vọng đóng góp của châu Phi tại “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” do Mỹ tổ chức trong các ngày 9-10/12. Nội dung như sau:
Mười bảy quốc gia châu Phi đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden mời, cùng gần 100 khách mời khác, tham dự “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” theo hình thức trực tuyến. Một hội nghị thượng đỉnh thứ hai, trực tiếp, được lên kế hoạch cho năm tới.
Có 3 vấn đề trong chương trình nghị sự: chống lại chủ nghĩa toàn trị; giải quyết và chống tham nhũng; và thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền. Châu Phi có rất nhiều đóng góp về những nội dung này.
Đây cũng là cơ hội để Lục địa Đen nâng cao lợi ích - cả với tư cách từng quốc gia riêng rẽ cũng như tập thể.
Mỹ tuyên bố nước này đã tham vấn rộng rãi với các tổ chức phi chính phủ. Điều này có nghĩa là quan điểm của giới truyền thông, các học giả và các bên liên quan khác của châu Phi đã được xem xét.
Tổng hợp lại, ba chủ đề của hội nghị đều đòi hỏi tính cụ thể hơn cộng với các kế hoạch hành động và nguồn lực thực tế.
Châu Phi có thể - và phải - được đánh giá là cung cấp các cơ hội quan trọng và chi phí phải chăng để thiết kế, thử nghiệm và mở rộng quy mô các nỗ lực tập thể. Trong từng khía cạnh của ba chủ đề lớn, châu Phi có thể đóng góp quan trọng.
Vấn đề dân chủ
Cách thức Mỹ lựa chọn khách mời hiện vẫn là một bí ẩn hành chính. Trong số 113 quốc gia được chọn, ước tính khoảng 69% được nghiên cứu của Carnegie Endowment đánh giá là “Tự do,” 28% là “Tự do một phần” và 3% “Không tự do.”
Trong số những nước châu Phi được mời có Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Ngay cả nước Mỹ chủ nhà, trong các cuộc khảo sát toàn cầu gần đây của Freedom House và Viện Quốc tế về dân chủ và hỗ trợ bầu cử (IDEA - tổ chức phi chính phủ quốc tế của Thụy Điển) đã cho thấy các đặc điểm toàn trị. Xếp hạng dân chủ của Mỹ bị sụt giảm. Châu Âu cũng đang đấu tranh với chủ nghĩa phi tự do.
Trong khi đó, tất cả 54 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã phê chuẩn Đạo luật Hiến pháp mang tính bao trùm, trong đó ngầm lên án chủ nghĩa toàn trị và khẳng định rõ ràng các mục tiêu dân chủ.
Những điều này mang lại ý nghĩa vận hành khi Hiến chương châu Phi về dân chủ, bầu cử và quản trị (ACDEG) được thông qua sau đó.
Tất cả các chính phủ châu Phi có nghĩa vụ tổ chức các cuộc bầu cử định kỳ, dưới sự quan sát của quốc tế. Những cuộc bầu cử này vẫn thiếu hụt theo nhiều cách. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử tạo thành biểu hiện thực tế của một chuẩn mực mới trong quan hệ nội bộ châu Phi: “nguyên tắc không thờ ơ.”
Điều này có nghĩa là cam kết không tiếp tục dung túng cho lạm dụng quyền lực nội bộ. Viện Quốc tế về dân chủ và hỗ trợ bầu cử đánh giá thực tiễn ủng hộ dân chủ mang tính đột phá trên toàn cầu. Ngoài những cam kết chính thức nhằm chống lại chủ nghĩa toàn trị, còn có sự ủng hộ bền bỉ của người dân đối với nền dân chủ trên khắp lục địa.
Châu Phi cũng có thể bày tỏ ý kiến một cách xây dựng với chủ nhà Mỹ và tham gia với những nước khác về 2 vấn đề lớn liên quan đến căng thẳng giữa các nền dân chủ phi tự do và tự do.
Một là tìm kiếm những cách thức mang tính xây dựng để thu hút sự tham gia của tất cả các quốc gia, dù chỉ bằng những cách hạn chế, thay vì cố gắng tẩy chay hoặc trừng phạt.
Ngày nay hầu như tất cả các quốc gia đều tuyên bố là dân chủ, ngay cả những quốc gia chuyên quyền nhất.
Nếu hội nghị thượng đỉnh năm 2022 là đáng tin cậy thì phải tìm ra những cách tốt hơn thay vì chỉ để Mỹ quyết định xem quốc gia nào nên tham gia và bằng cách nào.
Vấn đề thứ hai mà châu Phi có thể nêu gương tốt là sự can dự thực dụng nhưng có nguyên tắc của lục địa đối với Trung Quốc.
[9 công trình định hình quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong tương lai]
Đối với các nước châu Phi, mục tiêu là một mối quan hệ hữu ích với cả Trung Quốc và phương Tây. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đưa ra quan điểm này với tư cách là vị khách châu Phi duy nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua.
Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của châu Phi cũng như giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đó là một kết quả đáng nhận được quan tâm cấp thiết từ những bên tham dự khác tại hội nghị dân chủ.
Vấn đề tham nhũng
Tham nhũng là một vấn đề phổ biến khắp châu Phi, được tiếp tay bởi sự đồng lõa, hoặc ít nhất là các quy định lỏng lẻo, của nhiều chính phủ không phải ở châu Phi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là Mỹ.
Đây là kết luận quan trọng của Hội đồng cấp cao về dòng tài chính bất hợp pháp từ châu Phi, dưới sự chủ trì của nguyên Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, do Liên minh châu Phi (AU) và Ủy ban Kinh tế châu Phi (ECA) của Liên hợp quốc ủy quyền.
Hội đồng cấp cao tập trung vào việc đưa vấn đề tham nhũng vào chương trình nghị sự của các chính phủ châu Phi và sẽ nhóm họp tiếp vào ngày 12/12 tới theo hình thức trực tuyến.
Những tiết lộ gần đây của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế, Hồ sơ FinCEN và Hồ sơ Pandora cho thấy quy mô và mức độ của các hành vi tham nhũng cướp đi nguồn thu thuế quan trọng của các nước châu Phi.
Chủ tịch sáng lập của tổ chức phi chính phủ “Liêm chính tài chính toàn cầu - GFI” Raymond W Baker và một thành viên khác của hội đồng cấp cao đánh giá: điều này nghiêm trọng đến mức hiện nay có lẽ tham nhũng là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng kinh tế và là nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của nền dân chủ.
Quyết liệt giải quyết các mối đe dọa đối với nền dân chủ trong khi giải quyết cầm chừng các mối đe dọa đối với liêm chính về kinh tế và tài chính sẽ tiếp tục thúc đẩy sự chuyển hướng toàn cầu đến chủ nghĩa toàn trị.
[Nguy cơ châu Phi bị bỏ lại đằng sau do "phân biệt đối xử về vaccine"]
Với việc đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng của châu Phi, yêu cầu thúc đẩy các giải pháp chính trị và năng lực thể chế cần thiết để giải quyết vấn đề này phải và có thể trở thành một ưu tiên toàn cầu.
Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã công bố “Chiến lược mới về chống tham nhũng.” Đây có thể đóng vai trò là tài liệu tham khảo cho Hội đồng cấp cao để kiểm tra quyết tâm của Mỹ trong việc hợp tác với châu Phi trong lĩnh vực quan trọng này.
Vấn đề nhân quyền
Châu Phi cũng có thể có đóng góp quan trọng về vấn đề nhân quyền đối với toàn cầu. Nhân quyền không chỉ là một mệnh lệnh đạo đức. Trong các mối quan hệ quốc tế của châu Phi, yếu tố thực dụng là trọng tâm.
Cụm từ “Kẻ nào ngày hôm nay vi phạm nhân quyền, kẻ đó ngày mai sẽ trở thành người tị nạn” đã trở thành một câu nói sáo rỗng nổi bật về mặt chính trị ở một lục địa đang đấu tranh để giảm thiểu và ngăn chặn nạn di cư cưỡng bức cũng như tất cả những đau khổ và bất ổn của con người, ở phạm vi quốc gia và khu vực.
Vi phạm nhân quyền là dấu hiệu “cảnh báo sớm” về xung đột vốn đã tạo động lực chính trị cho “nguyên tắc không thờ ơ.”
Việc ngăn chặn những cuộc di cư ồ ạt không được kiểm soát tới các quốc gia châu Âu (lục địa có số quốc gia được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ lớn nhất, 39 nước) cần đảm bảo sự thu hút những ý tưởng của châu Phi về những gì có thể và nên làm một cách hợp tác để giải quyết vấn đề này.
Trên thực tế, hầu hết các cuộc di cư cưỡng bức xảy ra giữa các nước châu Phi. Nhưng các cách thức và phương tiện để giải quyết vấn đề nhân quyền then chốt này có ý nghĩa toàn cầu, trong đó châu Phi đóng vai trò tiên phong.
Khả năng tự chủ của châu Phi
Các nhà lãnh đạo và người dân châu Phi có thể - và phải - đặt ra các chương trình nghị sự của riêng mình về các vấn đề sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ.
Điều này là do châu Phi phải chia sẻ trách nhiệm chính đối với các vấn đề trong chương trình nghị sự - chống lại chủ nghĩa toàn trị, giải quyết và chống tham nhũng, và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền - từ hai khía cạnh.
Thứ nhất, châu Phi phải giải quyết hậu quả của những thách thức lớn này. Thứ hai, Lục địa đen phải thực hiện các chính sách để đạt được các mục tiêu của kế hoạch giải quyết 3 vấn đề trên.
Uy tín của các chính phủ châu Phi đang bị đe dọa tại Hội nghị thượng đỉnh và khả năng xây dựng quan hệ đối tác cùng có lợi vốn có thể trở nên bao trùm hơn cũng ở trong tình trạng tương tự.
Hiện tại, các nền dân chủ giàu có hơn không phải là đối tác đáng tin cậy với các quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chung chống lại đại dịch toàn cầu.
Trừ khi hội nghị thượng đỉnh có thể dẫn đến quan hệ đối tác thực sự với các quốc gia châu Phi đang nỗ lực duy trì nền dân chủ, các quốc gia châu Phi được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh năm 2022 sẽ có lý do chính đáng khi từ chối tham dự./.