Giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển cho Ngân hàng Chính sách xã hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2018 cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, kế hoạch năm 2018, tốc độ tăng tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội so với năm 2017 là 8.5%.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước năm 2018.
Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm 2018 cho Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo đảm không vượt trần nợ công và nợ Chính phủ đã được Quốc hội thông qua.
Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước năm 2018 được giao tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng mức vốn được giao; định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.
Đầu tư đoạn đường từ Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức xây dựng - khai thác-chuyển giao (BOT)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về việc bổ sung đoạn cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang-thành phố Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT; trong đó lưu ý xử lý các bất cập về trạm thu giá của dự án.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư đoạn đường từ Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, thực hiện bổ sung đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng vào Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020.
Trong quá trình triển khai Dự án, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng đối với Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.