Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tăng trưởng hơn 10%

Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nổi bật là ngành chế biến chế tạo, đây là điểm tích cực thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp phát triển.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tăng trưởng hơn 10% ảnh 1Sản xuất bóng đèn tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tại cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng Chín và chín tháng qua diễn ra sáng 25/9 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong chín tháng qua (từ tháng 1-9), chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Công Thương, ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nổi bật là ngành chế biến chế tạo, đây là điểm tích cực thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp phát triển. Đặc biệt, trong chín tháng qua, sản lượng tivi các loại tăng hơn 45%; ôtô tăng trên 53% so với cùng kỳ năm trước - tín hiệu tích cực đối với ngành cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử.

Trong bốn ngành công nghiệp, ngành sản xuất và phân phối điện tăng hơn 11%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 11%; công nghiệp khai khoáng tăng hơn 8%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng trên 7%.

Ngành dầu khí, cũng là một trong những ngành có kết quả khả quan. Chín tháng qua, tổng sản lượng khai thác dầu quy đổi trong nước ước đạt hơn 20 triệu tấn; trong đó, dầu mỏ thô khai thác trong nước đạt hơn 12 triệu tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt gần 8 tỷ m3, tăng 1,8%...

Về chế biến dầu khí, Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau hoạt động tương đối ổn định theo kế hoạch năm. Sản lượng xăng dầu các loại ước đạt trên 5 triệu tấn, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết trong chín tháng qua, nguồn khí PM3 vận hành không ổn định ảnh hưởng đến cung ứng điện khu vực Tây Nam Bộ; tình hình hạn hán ở miền Trung-Tây Nguyên; hệ thống điện Bắc-Nam luôn trong tình trạng truyền tải cao để cấp điện miền Nam. Ước chín tháng qua, điện sản xuất và mua ước đạt hơn 118 tỷ Kwh, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó điện mua từ Trung Quốc ước đạt 1,3 triệu kwh, giảm hơn 17%.

Tuy nhiên, bên cạnh những ngành sản xuất đạt mức tăng trưởng khá, một số ngành vẫn còn gặp khó khăn như ngành thép, ximăng. Trong chín tháng qua, sản lượng sắt, thép thô ước đạt gần 3 triệu tấn, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm trước. Đối với ngành sản xuất phân bón hóa chất, sản lượng phân Ure đạt 1,6 triệu tấn, giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm trước…

Để thúc đẩy sản xuất những tháng cuối năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động. Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, tập đoàn sẽ huy động khoảng hơn 600.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển.

Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, đề xuất cần tập trung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Sử Ngọc Anh cho rằng, để tăng trưởng kinh tế cần chú trọng đến chính sách kích thích tăng tổng cung, nhưng phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp chứ không phải từ tăng đầu tư. Muốn vậy, trong điều hành nền kinh tế cần thực sự làm tốt các giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục