Từ tháng chín vừa qua, tỉnh Kiên Giang thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn vườn quốc gia Phú Quốc.
Theo đó, diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng hơn 28.600ha, chiếm gần 97% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch của vườn quốc gia Phú Quốc.
Đối tượng rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là rừng tự nhiên, rừng trồng cây gỗ lớn bằng phương thức làm giàu rừng. Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch theo quy định.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng theo quy định để bảo vệ rừng, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển du lịch Phú Quốc bền vững.
Lãnh đạo vườn quốc gia Phú Quốc cho biết, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm huy động các nguồn lực xã hội bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, tạo điều kiện để ngành lâm nghiệp hoạt động đúng quy luật của nền kinh tế sản xuất hàng hóa.
Qua đó, bảo đảm cho người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, bảo vệ phát triển rừng được chi trả giá trị của rừng do mình tạo ra, đúng giá trị của rừng đem lại cho xã hội, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng, bảo vệ rừng cho các chủ rừng.
[Gia Lai: Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur chi sai hơn 900 triệu đồng]
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ngay trong rừng, bao gồm: các dự án phát triển du lịch trong phạm vi vườn quốc gia Phú Quốc theo loại hình thuê môi trường rừng và liên doanh, liên kết với chủ rừng.
Số tiền dịch vụ môi trường rừng phải chi trả được xác định bằng tổng doanh thu du lịch trong kỳ hạn thanh toán nhân với 1,5%.
Cùng với đó, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng với các cơ sở kinh doanh du lịch có trụ sở bên ngoài phạm vi rừng của vườn quốc gia Phú Quốc trên địa bàn các xã Gành Dầu, Cửa Cạn, Cửa Dương, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ và thị trấn Dương Đông, trong vùng địa lý cảnh quan rừng, hưởng lợi từ cảnh quan thiên nhiên rừng và khí hậu trong lành nhờ thảm thực vật rừng để hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Số tiền dịch vụ môi trường rừng phải chi trả được xác định bằng tổng doanh thu du lịch trong kỳ hạn thanh toán nhân với 1%.
Đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm các nhóm cộng đồng dân cư của 21 ấp thuộc 6 xã vùng đệm vườn quốc gia Phú Quốc sẽ ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng tại phân khu phục hồi sinh thái với vườn quốc gia Phú Quốc và được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.
Các đơn vị lực lượng vũ trang có trụ sở đóng quân trong phạm vi vùng đệm vườn quốc gia Phú Quốc ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng tại phân phục hồi sinh thái với vườn quốc gia Phú Quốc và được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.
Lực lượng bảo vệ rừng của vườn quốc gia Phú Quốc được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng./.