Chìa khóa để giải quyết khủng hoảng nợ Eurozone

Điều đáng lo ngại nhất của Eurozone hiện nay là mọi chiến lược giải quyết khủng hoảng đều phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế mạnh.
Theo mạng tin "ipolitics," điều đáng lo ngại nhất của Eurozone hiện nay là mọi chiến lược giải quyết khủng hoảng nợ công đều phụ thuộc vào một sự phục hồi kinh tế tương đối mạnh.

Chương trình cứu trợ Hy Lạp đã gặp khó khăn ngay khi vừa được nhất trí 6 tuần trước đây. Mọi dự báo chính thức đều sai, kinh tế Hy Lạp đang suy thoái, nợ vượt khỏi tầm kiểm soát. Tại Italy, ngân hàng trung ương quan ngại rằng chương trình khắc khổ đang có những ảnh hưởng suy thoái.

Chiến lược tái vốn hóa ngân hàng châu Âu cũng đang sụp đổ do suy giảm kinh tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chính phủ Eurozone đang tranh cãi về mức độ các ngân hàng cần tái cấp vốn và số tiền để tái cấp vốn có thể còn cao hơn ước tính của IMF nếu kinh tế châu Âu quay trở lại suy thoái.

Những ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu là phải đảo ngược chiều hướng suy giảm kinh tế. Nếu họ không thể làm được, cuộc khủng hoảng Eurozone sẽ kết thúc trong thảm họa bởi vì mọi giải pháp đều có nguy cơ thất bại. Đáng tiếc là họ hoàn toàn chưa chuẩn bị chính sách cho một cuộc suy thoái kinh tế.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang siết chặt chính sách tiền tệ. Chính sách tài chính cũng giảm khi các chính phủ vội vã tuyên bố các chương trình khắc khổ.

Các nhà hoạch định chính sách dường như không vội vàng giải quyết vấn đề này. Do đó, chìa khóa góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng Eurozone là cắt giảm lãi suất và phối hợp chính sách tài chính.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ là công cụ quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay bởi vì ECB có nhiều khả năng cắt giảm lãi suất. Các dự báo lạm phát đang giảm, nên ECB sẽ hết cớ để không cắt giảm lãi suất tái cấp vốn trở lại mức 1%, hoặc thấp hơn nhằm đảm bảo lãi suất thị trường tiền tệ qua đêm trở lại mức 0%, so với mức gần 1% hiện nay.

Lãi suất thời hạn 1 năm tại khu vực đồng euro hiện là 2,1% so với mức 0,8% tại Mỹ. Việc cắt giảm lãi suất không thể ngăn chặn được suy thoái kinh tế, nhưng có thể đóng vai trò hỗ trợ.

Thứ hai, về chính sách tài chính, các chính phủ khu vực đồng euro nên từ bỏ các chương trình khắc khổ và trở lại lập trường trung lập về tài chính để cho phép các nhân tố ổn định tự động phát huy tác dụng. Nhưng hiện nay, một thay đổi như vậy còn chưa có trong chương trình.

Các thành viên Eurozone nên phối hợp các chính sách tài chính để ngăn chặn việc lây lan các biện pháp khắc khổ dẫn tới suy giảm kinh tế.

Mặc dù nhiều nước thành viên đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng toàn bộ khu vực đồng euro thì không. Tỷ lệ nợ/GDP của Eurozone hiện thấp hơn của Mỹ, Anh hay Nhật Bản. Do chưa có một liên minh tài chính, nên các thành viên khu vực đồng euro nên phối hợp chính sách tài chính với nhau.

Các nền kinh tế mạnh hơn như Đức, Hà Lan hay Phần Lan nên có những biện pháp kích thích tài chính để cân bằng với những chính sách khắc khổ của các nước đang bị khủng hoảng nợ công./.

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục