Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động hữu nghị nhân dân

Đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam và Lào đã tổ chức tọa đàm chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Trong khuôn khổ Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Lào lần thứ 3, ngày 17/7, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đã tổ chức tọa đàm chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao, Chủ tịch Hội hữu nghị Lào-Việt Nam Phankham Viphavanh và đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng chủ trì tọa đàm.

Hoan nghênh các tham luận của các đại biểu hai nước, ông Phankham Viphavanh khẳng định, tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào là tài sản vô giá, là quy luật của sự tồn tại và phát triển của hai dân tộc.

Mối quan hệ giữa hai nước đã được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, trong đó có cả sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh. Quá khứ của tình đoàn kết đã góp phần đưa cách mạng hai nước giành được thắng lợi.

Hiện nay, hai nước cần tiếp kề vai sát cánh cùng bảo vệ, phát triển và kiến thiết đất nước. Những vị lãnh đạo các cấp hội hai nước, cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam là những người sẽ góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ kế tục truyền thống quý báu của hai dân tộc. Trong điều kiện hiện nay, việc tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ là nhiệm vụ cốt lõi.

Về công tác đào tạo cán bộ, sinh viên Lào tại Việt Nam, ông Phankham Viphavanh nhất trí với ý kiến của ôngVũ Xuân Hồng cho rằng các thế hệ sinh viên Lào khi học xong trở về phục vụ phát triển đất nước, ngoài tấm bằng chuyên môn còn là tấm bằng về tình cảm gắn bó keo sơn với người dân Việt Nam. Đánh giá cao một số địa phương của Việt Nam đã có chương trình ở nhà dân dành cho sinh viên Lào theo học tại địa bàn, ông cho biết, hàng năm có hàng ngàn sinh viên Lào sang Việt Nam theo học các trường đại học. Do đó các cấp hội sẽ là những cầu nối để tạo sự gắn kết giữa các sinh viên với người dân Việt Nam, góp phần để các em vừa học tốt tiếng Việt lại có sự gắn bó với quê hương thứ hai của mình...

Chủ tịch Vũ Xuân Hồng nhấn mạnh để công tác hữu nghị đoàn kết nhân dân hai nước Việt Nam-Lào tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, các cấp hội Trung ương cần thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch công tác và giao ban định kỳ. Nội dung chính cần tập trung là vấn đề giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Mỗi địa phương đều có đặc thù riêng, do đó các cấp hội cũng cần có sự sáng tạo để phù hợp cũng như phát huy được mặt mạnh. Bên cạnh sự hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, các cấp hội xác định nhiệm vụ để sao cho việc hợp tác hiệu quả hơn, phát huy được vai trò cầu nối.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu đến từ Thủ đô Vientiane, các tỉnh: Udomsay, Xavannakhet, Xiengkhoang của nước bạn Lào; các đại biểu từ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Đà Nẵng, Nghệ An đã phát biểu 8 tham luận nên lên những nét tổng quan của mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam-Lào; những kinh nghiệm hoạt động để tăng cường tình đoàn kết; công tác giáo dục tuyên truyền về truyền thống đoàn kết hữu nghị đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ hiện nay.

Điểm lại sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam giành cho Lào trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Lào hiện nay, Chủ tịch Hội hữu nghị Lào-Việt thành phố Vientiane Bounxu Nammachak cho biết sự hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam rất thiết thực và hiệu quả. Nhiều tỉnh, thành phố kết nghĩa với Thủ đô Vientiane như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... đã xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội, cung cấp gạo giúp bà con Vientiane khôi phục sản xuất sau lũ lụt. Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, một số tỉnh thành của Việt Nam đã cấp học bổng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tập huấn công tác cho nhiều cán bộ của Vientiane.

Từ kinh nghiệm thực tế hoạt động của Hội hữu nghị Lào-Việt tỉnh Udomsay thời gian qua, Chủ tịch Hội Khamphieng Yachongva cho biết là tỉnh nằm ở khu vực Thượng Lào, Ban chấp hành hội luôn xây dựng kế hoạch hợp tác 5 năm một lần với các tỉnh kết nghĩa của Việt Nam. Hội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mối quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước. Hai năm một lần giữa Udomsay và các tỉnh kết nghĩa thực hiện trao đổi đoàn để thúc đẩy công tác.

Trao đổi kinh nghiệm hoạt động, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Đỗ Thị Toàn chia sẻ huyện Từ Liêm là đơn vị đi đầu trong hoạt động "Gia đình kết nghĩa" giúp các em học sinh, sinh viên Lào xa nhà có gia đình thứ 2 ở Việt Nam. Đây là mô hình mời mang ý nghĩa cao đẹp cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Cùng chương trình ở nhà dân với thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Trường cho biết chương trình này tại Đà Nẵng mang lại hiệu quả cao trong việc tạo cơ hội cho các em sinh viên Lào tìm hiểu, tiếp xúc với văn hóa Việt Nam; giao lưu với người dân Việt Nam, nâng cao tiếng Việt và tham gia công tác xã hội, hòa nhập cộng đồng. Đây chính là cầu nối gắn kết và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước.

Nhìn lại chặng đường quan hệ hợp tác với nước bạn Lào nói chung và các tỉnh Nam Lào nói riêng, ông Huỳnh Đức Trường cho biết ngoài các chương trình dự án hỗ trợ các địa phương Lào, các công ty của thành phố Đà Nẵng đang đầu tư ở một số tỉnh của Lào tập trung vào các lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất bột sắn, trồng cây cao su, sản xuất gạch tuynen...

Thành phố thành lập Ban quản lý các dự án Nam Lào để giúp Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện tốt công tác hợp tác kinh tế, xã hội với nước bạn...

Cùng ngày, Đoàn đại biểu nhân dân hai nước Việt Nam -Lào đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người; gặp gỡ, giao lưu với đại diện Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam./.


Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục