Chiếc bánh xèo khổng lồ tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ

Các đầu bếp sử dụng 30kg bột, 27kg tôm, 10kg đậu xanh, 20kg dừa nạo, 20kg thịt vịt và 65kg rau các loại và cần hơn 30 phút để thực hiện chiếc bánh khổng lồ với đường kính lên tới 3m.

Sau khi hoàn thành, chiếc bánh được chia ra 1.000 phần để chiêu đãi miễn phí khách đến tham quan. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Sau khi hoàn thành, chiếc bánh được chia ra 1.000 phần để chiêu đãi miễn phí khách đến tham quan. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 11 đang diễn ra tại thành phố Cần Thơ, nhiều du khách khi đến tham quan lễ hội trong ngày 18/4 đã rất bất ngờ và thích thú khi được chứng kiến cảnh 15 đầu bếp cùng nhau đổ một chiếc bánh xèo khổng lồ với đường kính lên tới 3m.

Chiếc bánh này được đánh giá là bánh xèo to nhất từng xuất hiện ở miền Tây Nam Bộ.

Để làm ra chiếc bánh xèo có kích thước lớn này, 15 đầu bếp và nghệ nhân ẩm thực đã phải có các công đoạn chuẩn bị trước đó 10 ngày.

Các đầu bếp sử dụng 30kg bột, 27kg tôm, 10kg đậu xanh, 20kg dừa nạo, 20kg thịt vịt và 65kg rau các loại và cần hơn 30 phút để thực hiện chiếc bánh với tiêu chí: lớp vỏ viền dày, không bị cháy, phần nhân bánh thơm, bánh có vị béo từ nước cốt dừa đúng chuẩn miền Tây.

Bà Lê Thị Hồng Dung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đào tạo nghề nấu ăn Tây Đô, người chịu trách nhiệm chính của sự kiện, chia sẻ người dân miền Tây ai cũng biết làm bánh xèo. Tuy nhiên, để làm một chiếc bánh xèo với đường kính 3m, chu vi 12m, đối với đầu bếp chuyên nghiệp vẫn cần phải tính toán rất tỉ mỉ.

Sau khi bánh hoàn thành, mọi người đều vui mừng khi bánh vàng đều, giòn, phần đáy bánh chín, trong, không bị cháy. Mặt trên bột vẫn mềm, béo, hòa quyện cùng các loại nhân gồm tôm, thịt vịt, đậu xanh, củ sắn, hẹ… thơm lừng cả một khu vực tổ chức lễ hội.

Sau khi được đổ hoàn thiện, Ban Tổ chức đã chia nhỏ chiếc bánh xèo thành 1.000 phần và phát miễn phí cho người dân tham gia lễ hội. Theo nhiều thực khách, dù có kích thước lớn nhưng bánh xèo ăn rất ngon, đáp ứng các yêu cầu của một chiếc bánh xèo miền Tây và đạt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng con gái nhận hai phần bánh xèo được chuẩn bị từ Ban Tổ chức với đầy đủ rau sống, nước chấm, chị Lương Hồng Nhung (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, dù bánh có kích thước "khủng" nhưng khi ăn vào miệng cảm giác viền bánh giòn tan, phần giữa bánh mềm, béo ngậy của nước cốt dừa và không có cảm giác ngấy của dầu ăn.

"Tôi thấy không khí rất đông vui. Tuy bánh xèo là món ăn quen thuộc ở miền Tây nhưng thưởng thức trong không gian mở như ở đây rất thú vị. Cảm ơn các đầu bếp đã có ý tưởng làm ra chiếc bánh này," chị Nhung chia sẻ.

Theo bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, cách đây gần 20 năm, nghệ nhân Mười Xiêm của Cần Thơ đã mang món bánh xèo Nam Bộ sang tham gia một cuộc thi nấu ăn ở Mỹ và giành chiến thắng.

Bánh xèo Nam Bộ được bằng bột gạo, củ sắn, giá hẹ và đặc biệt là thịt vịt xiêm. Đây là món bánh dân gian nên nguyên liệu cũng phải được lấy từ dân gian và do chính các nghệ nhân dân gian trình diễn trong khuôn viên cây nhà lá vườn của khu trưng bày.

ttxvn_banh_xeo_3.jpg
Các đầu bếp đổ bột vào chảo bắt đầu công đoạn làm bánh. Do bánh to nên cần tới 30 phút mới chín, bánh bình thường chỉ mất 2-3 phút. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ban tổ chức lễ hội mong muốn thông qua hoạt động lần này sẽ mang đến cho du khách hương vị đặc trưng chiếc bánh xèo nói riêng, bánh dân gian Nam Bộ nói chung, khẳng định hình ảnh và sức lan tỏa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực dân gian của vùng đất phương Nam.

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm nay diễn ra trong 5 ngày từ 17-21/4 với quy mô khoảng 250 gian hàng, giới thiệu khoảng 100 loại bánh dân gian, nhiều món ăn, ẩm thực hấp dẫn. Tại lễ hội sẽ có khoảng 100 nghệ nhân đến từ các vùng miền cả nước tham gia tranh tài ở hội thi làm bánh và trình diễn làm các loại bánh dân gian.

Đến với lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức hàng trăm loại bánh được chế biến từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân với các nguyên liệu từ gạo, nếp, các loại rau củ quả trở thành những chiếc bánh thơm ngon, hấp dẫn.

Qua 10 năm tổ chức, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp quảng bá hình ảnh du lịch thành phố Cần Thơ đến du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy du lịch thành phố và du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển theo hướng bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục