Chiến dịch 55 ngày đêm thi công đường dây 500kV

Chiến dịch cắt điện lần lượt các tuyến đường dây 500kV Bắc Nam để thi công đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông đã bắt đầu.
Đúng 6 giờ 45 phút ngày 1/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bắt đầu cắt điện đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm, mở màn cho Chiến dịch cắt điện lần lượt các tuyến đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 và mạch 2 để phục vụ thi công đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông trong thời gian 55 ngày đêm.

Cùng với những giải pháp hỗ trợ quan trọng đã đề ra, chiến dịch này có ý nghĩa vô cùng lớn, vừa phải đảm bảo đủ điện cho khu vực phía Nam, không được tiết giảm điện theo yêu cầu của Chính phủ, vừa huy động tổng lực trong một thời gian ngắn để hoàn thành công trình đúng tiến độ đề ra.

Kiểm soát được tiến độ thi công


Đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông là dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015; tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia giai đoạn sau năm 2015. Dự án cũng tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500kV, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng miền trên cả nước. Chính vì tầm quan trọng đặc biệt này đối với an ninh năng lượng đất nước, dự án đã được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và sự ủng hộ của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có đường dây đi qua.

Đánh giá về tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung-Ban AMT, đơn vị quản lý dự án cho biết hiện trên toàn tuyến, Ban đã bàn giao được 911/926 vị trí móng cột cho nhà thầu thi công, còn 15 vị trí; trong đó, ở Bình Phước còn 3 vị trí, Bình Dương còn 9 vị trí và Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) còn 3 vị trí.

Với sự chỉ đạo kiên quyết của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân các huyện, các địa phương đều cam kết bàn giao mặt bằng chậm nhất trong tháng 10 này. Bên cạnh đó, phần hành lang tuyến hiện nay cũng kê kiểm được 4371/4785 hộ. Các hộ này đang làm các thủ tục niêm yết để được trả tiền đền bù dứt điểm trong tháng 10. Đến tháng 11, công tác đền bù sẽ được hoàn tất và sang tháng 12/2013, đơn vị chức năng chỉ giải quyết các tồn tại liên quan đến giải phóng hành lang và nhà ở trên tuyến.

“Việc cung cấp vật tư thiết bị cũng đang được tiến hành, chậm nhất là đến 31/3 sang năm, những chuyến hàng cuối cùng như máy cắt, cuộn kháng... sẽ về đến công trường. Trong thời gian thương thảo hợp đồng, Ban AMT đã làm việc với nhà thầu rút ngắn tiến độ giao hàng, từ 10 tháng xuống còn 6-7 tháng. Công tác kéo dây trên toàn tuyến sẽ hoàn thành cuối tháng Ba. Công tác lắp đặt vật tư thiết bị ở 2 đầu trạm, nghiệm thu hoàn thiện và đóng điện đường dây vào cuối tháng 4/2014 như phát động thi đua có tính khả thi rất cao,” ông Tuyển khẳng định.

Nói về Chiến dịch cắt điện 55 ngày, theo ông Nguyễn Đức Tuyển, hiện tại có 2 vấn đề làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Thứ nhất là thời tiết, nhưng đã có dự phòng dù mưa các lực lượng vẫn tiến hành kéo dây. Thứ hai là công tác đền bù giải phóng mặt bằng hành lang tuyến. Hiện Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi đã lập tổ công tác đặc biệt thường xuyên có mặt ở trên tuyến để bảo vệ an ninh trật tự. Tổ công tác quản lý đô thị và hội đồng bồi thường sẽ túc trực để giải quyết các vướng mắc phát sinh trên tuyến với mục đích không để gián đoạn trong quá trình thi công, đảm bảo tiến độ đã được thông qua.

Công ty Xây lắp điện 2 đảm nhận thi công hai gói thầu 15-16 nằm trên địa bàn huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và một phần tỉnh Bình Dương với chiều dài trên 30km.

Ông Nguyễn Hữu Ý, Phó Giám đốc Công ty cho biết đơn vị thi công trong điều kiện khó khăn do thời gian cắt điện có giới hạn, độ nguy hiểm tăng vì thi công bên đường dây 500kV đang mang điện. Do vậy trong 40 ngày thi công của giai đoạn 1, Công ty phải tổ chức thi công thật hợp lý và tập trung triển khai hàng loạt tại tất cả các vị trí. Giải pháp được đưa ra là tăng cường lực lượng thi công tại 18 vị trí cột với 18 đội thi công của 8 xí nghiệp.

“Việc thi công được tiến hành đồng loạt chứ không làm cuốn chiếu như đường dây 500kV trước đây. Hiện trên công trường, công ty bố trí khoảng 600 công nhân kèm theo máy móc thiết bị. Ngoài ra còn có lực lượng giám sát của Công ty Truyền tải điện 4 và Ban Quản lý dự án cũng như tổ công tác, quản lý của địa phương, hội đồng bồi thường tham gia,” ông Ý nói.

Cam kết về giải phóng mặt bằng

Một trong những vấn đề đang vướng hiện nay là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện Củ Chi còn 3 vị trí móng trụ chưa bàn giao được cho chủ đầu tư. Theo cam kết của Hội đồng bồi thường dự án huyện, trong tháng 10 này, huyện sẽ bàn giao dứt điểm cho chủ đầu tư.

Ông Huỳnh Văn Liêm - Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện cho biết hiện chỉ còn 3 hộ dân chưa đồng ý đơn giá bồi thường, huyện đã tổ chức nhiều đợt giải thích, vận động từ xã đến huyện, trực tiếp đến từng hộ dân để ủng hộ chủ trương nhà nước.

“Chúng tôi tin rằng các hộ dân sẽ chấp hành theo đúng tiến độ cam kết,” ông Liêm khẳng định.

Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 672.000m2 đất với 680 hộ bị ảnh hưởng của hành lang tuyến đường dây này. Xuất phát từ việc đảm bảo bồi thường hỗ trợ cho người dân đúng theo chính sách nhà nước, Ủy ban Nhân dân huyện đã xin ý kiến và được thành phố đồng ý cho phép xây dựng phương án bồi thường thành nhiều đợt. Những hộ dân nào hoàn tất hồ sơ bồi thường là chi trả ngay cho hộ dân đó để đảm bảo tiến độ. Theo ông Liêm, đợt đầu đã có hơn 100 hộ dân đồng ý theo đơn giá được niêm yết và được chi trả ngay. Đợt 2 sẽ chi trả trong tháng 10 này và đợt 3 sẽ dứt điểm chi trả trước 15/11.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thạnh Đông cho biết lúc đầu công tác triển khai gặp khó khăn vì người dân trong xã chưa hiểu biết được vấn đề hành lang đường dây điện và trụ móng. Nhờ công tác tuyên truyền của xã đến từng ấp và hộ dân, người dân nhận thức được đây là dự án trọng điểm quốc gia nên rất đồng tình theo quyết định thu hồi đất để bàn giao cho đơn vị thi công đúng tiến độ.

Thi công nhưng vẫn đảm bảo điện


Huyện Củ Chi là địa bàn bị ảnh hưởng của việc thi công đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông với việc cắt điện đường dây 110kV Tân Định-Phú Hòa Đông-Củ Chi và Hóc Môn-Tân Quy-Phú Hòa Đông. Để đảm bảo cung cấp điện liên tục cho khu vực khi có sự cố các đường dây trong thời gian thi công đường dây 500kV mạch 3 này, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công ty Lưới điện cao thế thành phố (Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam lập phương án cung cấp điện cho khu vực huyện Củ Chi.

Ông Vũ Thế Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho hay ngoài việc lắp đặt tụ bù để đảm bảo cung cấp điện cho huyện Củ Chi nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung trong thời gian thi công đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm 2 mạch, Tổng Công ty đã xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp sự cố, đảm bảo trong thời gian tối đa là 2 giờ tất cả các phụ tải của huyện Củ Chi sẽ cung cấp điện trở lại.

Ông Phạm Ngọc Minh, Quyền Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết địa bàn Củ Chi trước đây được cung cấp bởi 3 nguồn điện: một từ trạm Hóc Môn lên, một từ trạm Tân Định lên và một nguồn từ Trảng Bàng xuống với nhu cầu từ 1-1,5 triệu KWh/ngày. Khi cắt điện để thi công đường dây 500kV này sẽ liên quan đến một số đường dây 110kV cung cấp điện cho huyện Củ Chi. Theo phương án, Trung tâm sẽ sử dụng đường dây 110kV từ Trảng Bàng đã được nâng cấp để cung cấp cho toàn huyện Củ Chi và đồng thời đưa điện từ dưới khu vực Hóc Môn qua các đường dây trung thế để cung cấp một số phụ tải, đảm bảo cung cấp điện cho huyện Củ Chi.

Tuy nhiên, “để đảm bảo cung cấp điện trong thời gian thi công công trình trọng điểm quốc gia này, rất cần khách hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm điện để giảm sản lượng điện phải truyền tải trên các đường dây khác khi mà đường dây 500kV 2 mạch Tân Định-Phú Lâm phải cắt điện,” ông Cường khuyến cáo./.

Dự án đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (AMT) quản lý dự án.

Dự án đi qua 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh với chiều dài 437,514km, tổng mức đầu tư trên 9.288 tỷ đồng.
 

Mai Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục