Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thay vì tạm ngưng hay cầm chừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm những hướng đi riêng.
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn thực hiện chiến lược "kép," vừa triển khai nghiêm túc giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh theo xu thế ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiến độ kế hoạch năm 2020.
Phát triển nhà xưởng công nghệ
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những doanh nghiệp đã thực hiện chủ trương tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều năm qua đang phát huy lợi thế và giảm bớt được nỗi lo vì phát triển bền vững, đồng thời vẫn đảm bảo được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.
Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, doanh nghiệp này đã chuẩn bị nhiều phương án dự phòng, tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu thay thế cùng loại từ các thị trường khác nhau trong và ngoài nước.
Mặc dù nguồn nguyên liệu mới có thể tăng giá từ 5-10%, thậm chí lên đến 20% gây ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp nhưng công ty vẫn chấp nhận để duy trì hoạt động sản xuất, đáp ứng kịp đơn hàng để cung cấp cho thị trường.
Trong ngành chiếu sáng, chip led là nguyên vật liệu chính, quan trọng nhất để sản xuất đèn led. Do đó, từ năm 2019, nhà máy công nghệ cao của Điện Quang đã đi vào hoạt động, tự sản xuất được chip led giúp công ty hạn chế phụ thuộc và làm chủ được công nghệ.
Cũng trong giai đoạn này, Điện Quang có chủ trương khai thác yếu tố kinh tế tuần hoàn như xây dựng các bộ sản phẩm tuần hoàn và tuần hoàn nguyên vật liệu (tái sử dụng bao bì, dùng thùng, khay nhựa thay cho bao bì carton), thu hồi sản phẩm và tái xử lý vật tư (có thể xoay vòng như: kim loại,…) từ các công trình.
Tại thời điểm dịch bệnh, Điện Quang càng quyết tâm và đánh giá đây là động lực để công ty đẩy mạnh thực hiện sâu rộng chủ trương lớn này, ông Hồ Quỳnh Hưng chia sẻ.
Tương tự, KTG Industrial - mảng phát triển công nghiệp thuộc Tập đoàn KTG vừa khởi công xây dựng dự án nhà xưởng xây sẵn giai đoạn 2. Đây là thiết kế đầu tiên của “Thế hệ nhà xưởng công nghệ 4.0” - sản phẩm chiến lược trong năm 2020 của doanh nghiệp này.
[Bộ Công Thương sẵn sàng ''kế hoạch tác chiến'' ứng phó dịch COVID-19]
“Thế hệ nhà xưởng công nghệ 4.0” là thế hệ nhà xưởng phiên bản 2 của KTG Industrial, kết hợp giữa nhà xưởng, nhà kho xây sẵn cùng công nghệ 4.0 với mong muốn tạo ra sản phẩm hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong với mục tiêu quản lý tối ưu, vận hành hiệu quả, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Ông Đặng Trọng Ngôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KTG cho hay, sản phẩm mới dựa trên ý tưởng đáp ứng nhiều tiện ích cho doanh nghiệp, khách hàng.
Chính vì vậy, “Thế hệ nhà xưởng công nghệ 4.0” đảm bảo cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam, góp phần mang lại công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Theo ông Đặng Trọng Ngôn, hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng do phải cân đối cán cân phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bênh, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam duy trì ổn định hoạt động và triển khai đúng tiến độ kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phát triển nhiều dự án, sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Không chủ quan trong phòng, chống dịch
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch với các kịch bản linh hoạt.
Điển hình, thực hiện Chỉ thị của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với tác động kép của dịch bệnh COVID-19 và giá dầu sụt giảm, đơn vị thành viên Tổng công ty khí (PV GAS) đã triển khai các bước hành động nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh và thực hiện an ninh-an toàn hệ thống khí.
Đồng thời, PV GAS triển khai chế độ làm việc từ xa chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc theo giờ hành chính thuộc khối văn phòng.
Đại diện PV GAS cho biết tổng công ty vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp lý cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm cách ly/điều trị bệnh tại nhà; đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty được duy trì thường xuyên liên tục.
Để hạn chế lây lan bệnh dịch, PV GAS tận dụng mọi năng lực thông tin liên lạc trên các phương tiện công nghệ thông tin nhưng vẫn duy trì tính bảo mật, chất lượng truyền tin.
Hầu hết hệ thống công nghệ phục vụ họp trực tuyến đều được tận dụng hết công suất, đảm bảo mạch liên lạc sản xuất kinh doanh không bị hạn chế trong điều kiện hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc đông người.
Còn công ty Điện Quang đề ra một số giải pháp hạn chế dịch COVID-19 như khuyến khích làm việc, họp online, thông tin online, văn phòng trực tuyến, phân phối và lưu trữ tài liệu, dữ liệu online; phân bổ kế hoạch sản xuất và phân phối theo hướng phân tán để hạn chế rủi ro...
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), để phục vụ tốt và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng trong tình hình dịch bệnh COVID-19, hạn chế tụ tập đông người ở một địa điểm, Saigon Co.op tăng cường dịch vụ bán hàng tận nhà; trong đó, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile... sẽ tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại.
Cụ thể, nhân viên siêu thị sẽ gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục 3 nhóm hàng (thực phẩm tươi sống; thực phẩm công nghệ thiết yếu; hóa phẩm). Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn…) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng để được giao tận nhà.
Danh mục hàng hóa trong phiếu đặt hàng có thời gian sử dụng trong vòng 7 ngày từ ngày thứ Năm đến thứ Tư hằng tuần và hạn cuối siêu thị nhận phiếu vào lúc 20 giờ ngày thứ Ba hàng tuần.
Bên cạnh hình thức phiếu đặt hàng, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại của Saigon Co.op vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng theo giờ hoạt động của điểm bán.
Thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực bình ổn thị trường, thúc đẩy việc bán hàng online... để giúp người dân hạn chế đến những nơi đông người, khả năng lây lan cao.
Bên cạnh đó, những đơn vị sản xuất, kinh doanh khác cũng đa dạng giải pháp thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết trên website, mạng xã hội, tư vấn trực tuyến 24/24 giờ chính sách đóng gói, giao hàng nhanh chóng đến tay người tiêu dùng./.