Chiến lược quốc phòng của Anh sẽ gây căng thẳng với các đồng minh?

Quyết định gây tranh cãi nhất là về quy mô của quân đội, được đông đảo dự đoán là sẽ cắt giảm từ lực lượng danh nghĩa khoảng 82.000 người xuống gần 72.000 người.
Chiến lược quốc phòng của Anh sẽ gây căng thẳng với các đồng minh? ảnh 1Quân đội Anh. (Nguồn: ukdefencejournal.org.uk)

Trang mạng Financial Times mới đây dẫn lời các chuyên gia cảnh báo rằng chiến lược an ninh mới của Anh sắp được công bố có nguy cơ tạo ra căng thẳng với các đồng minh của nước này nếu London dàn trải lực lượng và bỏ qua các nghĩa vụ quốc phòng then chốt để theo đuổi chương trình nghị sự "Nước Anh toàn cầu."

Báo cáo Tổng hợp về chính sách đối ngoại và quốc phòng đã nhiều lần bị trì hoãn trong năm ngoái do chính phủ Anh phải tập trung vào kiểm soát đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới với kỳ vọng vạch ra tầm nhìn cho nước Anh thời hậu Brexit của Thủ tướng Boris Johnson.

Tuy nhiên, Báo cáo Tổng hợp, với tiêu đề "Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh," cũng có thể sẽ gây tranh cãi với các đối tác quốc phòng nước ngoài.

Chi phí đầu tư cho các năng lực phòng thủ cốt lõi sẽ bị cắt giảm để đầu tư cho công nghệ chiến tranh kỹ thuật số.

Anh đã tuyên bố nước này sẽ tập trung vào các rủi ro tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và giảm bớt trách nhiệm của nước này ở Bắc Đại Tây Dương.

[Công ty vũ khí của Israel cung cấp hệ thống AI cho quân đội Anh]

Hiện tại, quan hệ hợp tác Anh-Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit về an ninh cũng vẫn chưa được làm rõ.

Peter Ricketts, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, cho biết: "Tôi chắc chắn rằng báo cáo này sẽ là một bài luận mạnh mẽ về vai trò của Anh trên thế giới."

Nhưng ông cũng nói thêm: "Liệu kế hoạch đầy tham vọng của Anh có thực sự biến thành một điều gì đó có ý nghĩa không?"

Vấn đề số lượng các binh lính

Quyết định gây tranh cãi nhất là về quy mô của quân đội, được đông đảo dự đoán là sẽ cắt giảm từ lực lượng danh nghĩa khoảng 82.000 người xuống gần 72.000 người.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Anh đã đảm bảo mức tăng chi tiêu cho ngân sách quốc phòng 16,5 tỷ bảng Anh, nhưng vẫn đang phải cắt giảm để dành ngân sách cho tài trợ cho hệ thống phòng thủ không gian mạng và các khả năng quân sự mới trong không gian.

Theo các quan chức quân sự Mỹ, mặc dù coi trọng các lực lượng đặc biệt cũng như bị ấn tượng bởi chuyên môn trong lĩnh vực không gian mạng Anh, nhưng số lượng binh lính cũng rất quan trọng.

Trước đây, Washington đã dựa vào mô hình của quân đội Anh để xây dựng quân đội Mỹ với khoảng 100.000 quân.

Michael Shurkin, chuyên gia an ninh tại Tập đoàn RAND (Mỹ), nhấn mạnh rằng lịch sử hợp tác quân sự giữa Mỹ với Anh là dựa trên sự công nhận về chất lượng, chứ không phải là sức mạnh được trang bị cho quân đội.

Ông nói: "Chúng tôi thực sự muốn người Anh xuất hiện khi chúng tôi đề nghị, bởi vì quân đội Anh là đội quân có chất lượng."

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng "việc cắt giảm số lượng binh lính sẽ trở thành một vấn đề thực sự" nếu đột nhiên một đồng minh đáng tin cậy không còn cung cấp quân số mà họ từng cung cấp.

Thách thức đối với chính phủ Anh là làm thế nào để cắt giảm quy mô quân đội mà không gây quan ngại cho Washington và NATO.

Jack Watling, chuyên gia về chiến tranh trên bộ tại Viện nghiên cứu Liên quân Hoàng gia Anh, lập luận rằng nếu Anh đề nghị cung cấp trực thăng tấn công, pháo binh tầm xa và lính trinh sát để hỗ trợ các quốc gia khác thì điều này có thể giúp bù đắp cho việc cắt giảm nhân sự tổng thể.

Ông Watling nói: "Nếu chúng tôi đặt ra một lộ trình đáng tin cậy và thừa nhận rằng lộ trình này sẽ gặp nhiều khó khăn trong thập kỷ tới, nhưng đến năm 2030, lộ trình đã được định hình rõ ràng, thì Mỹ có thể sẽ phản ứng tích cực."

Đối phó Trung Quốc

Một điểm nhấn trọng tâm của báo cáo là việc Anh tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi theo đuổi quan hệ quốc phòng sâu sắc hơn với các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc nhằm đối phó lại sự gia tăng quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang tăng cường năng lực về tên lửa đạn đạo tầm xa.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), mức tăng 12 tỷ USD của Bắc Kinh cho ngân sách quốc phòng năm 2020 (193 tỷ USD) lớn hơn mức tăng ngân sách quốc phòng ở tất cả các quốc gia châu Á khác cộng lại.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh sẽ được triển khai vào tháng 5 năm nay trong chuyến hành trình đầu tiên đến Đông Á và dự kiến sẽ thực hiện các cuộc tập trận chung với Nhật Bản cùng một số nước khác.

Chiến lược quốc phòng của Anh sẽ gây căng thẳng với các đồng minh? ảnh 2Những chiếc F-35B trên HMS Queen Elizabeth. (Nguồn: ukdefencejournal.org.uk)

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu các cam kết của Anh là thực tế hay chỉ mang tính biểu tượng, đặc biệt khi Anh không có đủ máy bay chiến đấu của riêng mình để trang bị cho tàu sân bay và phải bổ sung thêm phi đội máy bay F-35B Lightning của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Euan Graham, chuyên gia quốc phòng châu Á tại IISS, cho rằng "người Anh nên được đánh giá dựa trên sự hiện diện nhất quán, chứ không phải việc triển khai một lần trong một thế hệ của một nhóm tàu sân bay, điều đó không thực sự mang lại ý nghĩa gì."

Một số nhà phân tích gợi ý rằng Mỹ, nước đang tập trung các nỗ lực quân sự đối phó lại Trung Quốc, có thể muốn Anh tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Đại Tây Dương, Vùng Vịnh và Địa Trung Hải, qua đó cho phép các lực lượng Mỹ tập trung vào phòng thủ ở Thái Bình Dương.

Xoay trục khỏi châu Âu

Việc Anh "xoay trục" khỏi châu Âu cũng có thể khiến các nước đồng minh châu Âu cảnh giác với tham vọng của Anh ở châu Á.

Ricketts, cựu đại sứ Anh tại Pháp, đã mô tả sự nhiệt tình của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong việc quay trở lại vùng biển phía Đông Suez rằng "mức độ xoay trục của Anh khỏi châu Âu nhiều thế nào sẽ được thể hiện qua việc Anh chuyển hướng  sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Ông cho biết người Pháp sẽ quan tâm đến việc người Anh sẽ nhìn nhận thế nào về đóng góp của EU đối với an ninh châu Âu trong Báo cáo Tổng hợp, nhưng ông cũng nhận định rằng "tôi nghĩ họ sẽ thất vọng."

Một giải pháp cho sự thiếu hụt tài chính của Bộ Quốc phòng Anh là tìm kiếm các khoản tiết kiệm thông qua cộng tác với các đồng minh. Nicolas Baverez, một chuyên gia quốc phòng tại Viện nghiên cứu Institut Montaigne có trụ sở tại Paris (Pháp), lập luận rằng Anh và Pháp có chung lợi ích trong việc tài trợ cho các năng lực siêu thanh, robot và năng lực không gian vũ trụ mới.

Ông nói: "Sẽ rất khó cho mỗi quốc gia của chúng ta để tài trợ cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu này" và "câu trả lời sẽ là đặt cược và lựa chọn, và cũng có thể là hợp tác để bù đắp một số chi phí nhất định."

Tuy nhiên, theo Báo cáo Tổng hợp, nhiều khả năng Anh sẽ tìm kiếm các liên minh xa hơn.

Trong một bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng Hai, Thủ tướng Anh Johnson khoe rằng khi rời EU, Anh đã "khôi phục quyền kiểm soát chủ quyền đối với các đòn bẩy quan trọng của chính sách đối ngoại."

Thủ tướng Johnson lạc quan nói thêm rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đang ngày càng hướng tới các đồng minh của Mỹ "để khám phá lại sự lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, tinh thần phiêu lưu và sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương, những điều đã khiến 2 lục địa của chúng ta trở nên vĩ đại."

Cựu Tư lệnh Quốc phòng Anh David Richards cho rằng Anh không nên quên những mối đe dọa ngay tại sân sau của mình.

Ông nói: "Chúng tôi có một vai trò rất hữu ích tại châu Âu, có thể cung cấp về mặt hậu cần, khả năng quân sự và chúng tôi có ảnh hưởng thực sự trong NATO... nhưng rủi ro là, Anh sẽ phá hỏng tất cả khi đi khắp thế giới mà không đạt được bất kỳ ảnh hưởng chiến lược thực sự nào ở bất kỳ đâu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục