Chiến thắng của ông Boris Johnson và ván cược Brexit rủi ro

Trên cương vị mới, ông Johnson phải dẫn dắt nước Anh vượt qua nhiều khó khăn, trong đó điển hình là vấn đề Brexit, một bế tắc đã khiến "người phụ nữ quyền lực của nước Anh" Theresa May phải từ chức.
Chiến thắng của ông Boris Johnson và ván cược Brexit rủi ro ảnh 1 Ông Boris Johnson phát biểu tại London, Anh ngày 23/7, sau khi được bầu làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP/Reuters, ngày 23/7, đảng Bảo thủ Anh đã công bố kết quả bầu lãnh đạo mới của đảng này, theo đó cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã chiến thắng trước đối thủ là Ngoại trưởng Jerremy Hunt với số phiếu ủng hộ tương ứng là 92.153 phiếu và 46.656 phiếu.

Với kết quả này, ông Johnson đã trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Theresa May từ ngày 24/7.

Trên cương vị mới, ông Johnson sẽ phải dẫn dắt nước Anh vượt qua nhiều khó khăn, trong đó điển hình là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, một bế tắc đã khiến "người phụ nữ quyền lực của nước Anh" Theresa May phải từ chức.

Boris Johnson đã đánh cược tất cả vào một chiến lược Brexit đầy rủi ro mà ông khẳng định sẽ đưa Anh ra khỏi châu Âu dựa trên những điều khoản có lợi. Trong một tuyên bố sau khi được công nhận là người chiến thắng, ông Johnson khẳng định: "Chúng ta sẽ Brexit vào ngày 31/10."

Lãnh đạo 27 nước EU nói rằng một thỏa thuận mà cả hai bên nhất trí cũng chính là thỏa thuận mà bà Theresa May ký hồi năm ngoái với EU, và cũng là thỏa thuận mà Quốc hội Anh liên tiếp từ chối phê chuẩn.

Trong khi đó, Johnson nói rằng một liều thuốc lạc quan và một chút "sự nhập nhằng có lợi" có thể đưa Anh rời EU với một thỏa thuận tốt hơn vào thời hạn chót là ngày 31/10.

Kế hoạch A

Lý tưởng hơn cả là Johnson sẽ đưa ra một thỏa thuận mới thay thế thỏa thuận bị ghét bỏ của bà May. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc đưa ra một thỏa thuận mới sẽ tốn nhiều thời gian. Kỳ nghỉ mùa Hè và sự chuyển giao lãnh đạo ở London và Brussels khiến các cuộc đối thoại chính thức phải kéo dài nhiều tuần trong tháng 9 và 10. Thỏa thuận hiện có phải mất 17 tháng thương lượng.

Trong khi đó, từ nhiều tháng qua, 27 lãnh đạo EU đã không ngừng nói rằng họ giờ sẽ chỉ nghe theo các quan điểm về một tài liệu riêng rẽ và có sức thuyết phục lớn trong đó định hình mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Kế hoạch B

Giải pháp thay thế của Johnson bắt đầu bằng việc Quốc hội thông qua "những nội dung tốt nhất" của thỏa thuận mà bà May đạt được với EU trước đó. Những nội dung này bao gồm các vấn đề không gây tranh cãi như quyền lợi của công dân EU và mở rộng các hiệp ước hợp tác an ninh và ngoại giao.

Nội dung bị gạt ra là vấn đề "chốt chặn" - một giải pháp gây tranh cãi lớn nhằm tránh một đường biên giới cứng giữa Ireland, một thành viên của EU, và Bắc Ireland thuộc Anh.

[Nhìn lại cuộc đua vào ghế Thủ tướng Anh của ông Boris Johnson]

Ông Johnson cũng muốn thông qua một chính sách của "sự nhập nhằng có lợi" về việc liệu Anh sẽ trả cho EU khoản tiền khoảng 39 tỷ bảng Anh (49 tỷ USD) khi nước này rút khỏi khối hay không. Khoản tiền này sẽ được sử dụng như một đòn bẩy để khiến Brussels chấp thuận một thỏa thuận "bị bế tắc" cho đến khi một thỏa thuận mới được ký kết.

Sự mường tượng của ông Johnson dần hé lộ một sự pha trộn giữa "các giải pháp dựa trên công nghệ" và các thỏa thuận miễn trừ vốn để cho việc lưu thông tự do qua lại biên giới Ireland trong khoảng thời gian tạm thời này. Ông biện luận rằng mọi thứ sẽ được giải quyết "một cách đúng đắn trước khi" diễn ra cuộc bầu cử của Anh vào tháng 5/2022.

Kế hoạch C

Đó là một ván cờ rủi ro cao vốn có thể cần giới lãnh đạo EU huy động và thể hiện thiện chí mạnh mẽ hơn trong giai đoạn này. Brussels muốn tránh thiết lập một tiền lệ đối với các nước theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu khác bằng việc thừa nhận một nhân vật "siêu chỉ trích" EU như ông Johnson. Cũng chính từ đây mà xuất hiện mối đe dọa về một Brexit không thỏa thuận khiến báo chí nhảy vào bình luận.

Cuộc "ly hôn" đầy hỗn loạn này có nguy cơ gây ra thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế Anh hơn là đối với nền kinh tế của một EU ngày càng đa dạng và rộng lớn. Tuy nhiên, phần lớn lãnh đạo EU không muốn bị chỉ trích vì để cho Anh "rơi xuống vách đá."

Và giới chức Ireland coi một đường biên giới cứng là mối đe dọa hiện hữu đối với một thỏa thuận vốn đã khép lại cuộc đổ máu phe phái kéo dài hàng chục năm ở phía Bắc. Một cuộc "ly dị" không thỏa thuận cũng sẽ cho thấy sự thất bại ngoại giao ghê gớm vốn có thể làm EU xa lánh nước Anh và khiến mối quan hệ tương lai của hai bên càng thêm tồi tệ.

Chiến lược của ông Johnson sẽ hiệu quả?

Phần lớn người Anh tỏ ra hoài nghi. Sự gây thanh thế bên ngoài của ông Johnson đang đi ngược lại những thực tế của các cơ chế thương mại toàn cầu mơ hồ như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). Điều 24 của hiệp định này đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi vì nó cho phép hoạt động thương mại hàng hóa phi thuế quan giữa Anh và EU trong khoảng thời gian lên đến 10 năm, trong khi một thỏa thuận thương mại thường xuyên đang được vạch ra.

Tuy nhiên, điều khoản này chỉ có thể được sử dụng nhờ một thỏa thuận mà Anh và EU ký với nhau, một vấn đề mà ông Johnson hôm 12/7 thừa nhận rằng ông không hề hay biết.

Kể từ hôm đó, ông cũng nói rằng việc hợp tác sẽ vẫn đem lại lợi ích tốt nhất cho EU. Và liệu chiến lược của ông có thất bại hay không và Anh rời EU mà không có một kế hoạch nào sau 46 năm chung sống với EU hay không. "Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận điều này," ông Johnson từng tuyên bố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục