Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa: Hội tụ, kết tinh truyền thống yêu nước

Dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đã đập tan giấc mộng xâm lược của quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa: Hội tụ, kết tinh truyền thống yêu nước ảnh 1Chương trình nghệ thuật màn Sử thi mùa xuân Kỷ Dậu 1789 tại kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 26/1 (tức mùng 5 Tết Quý Mão), Lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đã diễn ra trang trọng tại Công viên Văn hóa Đống Đa (Hà Nội) nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng các tướng sỹ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, chống giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân, khách thập phương cùng tham dự.

Trước lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Cùng với đó là lễ rước kiệu, nghi thức tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương.

Vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long.

[Lãnh đạo thành phố Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung]

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là minh chứng lịch sử khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nhân dân ta. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn; là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa chính là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc của truyền thống yêu nước, yêu độc lập-tự do; cùng với đó là tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường ngàn đời của nhân dân ta.

Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã đập tan giấc mộng xâm lược của quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Lê Tuấn Định khẳng định tự hào tiếp nối truyền thống, khí thế hào hùng của Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa năm xưa, phát huy truyền thống Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa đã đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Hoạt động kinh tế khôi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của những năm trước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Mô hình chính quyền đô thị tiếp tục được thí điểm, phát huy hiệu quả. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa sẽ không ngừng nỗ lực, xây dựng quận phát triển bền vững, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh- Hiện đại” theo đúng phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngay sau lễ khai mạc là chương trình biểu diễn nghệ thuật màn sử thi kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa do Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện.

Phần hội diễn ra với các hoạt động văn nghệ của các đoàn nghệ thuật, cờ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Huyền thoại Mẹ xứ sở” tại lễ hội. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 kéo dài đến hết ngày 20/4, là cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để nơi đây mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân, niềm tin và khát vọng của con người.

Những chiếc thuyền câu cùng vật tế lễ tại lễ Khao lề. (Ảnh: TTXVN phát)

Quảng Ngãi: Tri ân những hùng binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông.

Nước phở nóng sốt được chan vào bát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về Nam Định tham dự lễ hội làng nghề Phở Vân Cù

Lễ hội làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định nhằm bảo tồn, phát triển và tri ân các bậc tiền bối đã làm nên một nghề Phở Vân Cù truyền thống, được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.