Theo bình luận của “Deutsche Welle” (Đức, phiên bản Mỹ Latinh), mỗi khi đề cập tới ứng cử viên cực hữu Jair Bolsonaro, người đã dẫn đầu vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Brazil vừa qua, luôn có những phép so sánh ấn tượng như “Donald Trump vùng nhiệt đới” hay “Le Pen của Brazil.”
Thậm chí, trong số mới đây của tạp chí "Foreign Policy" (Mỹ), sử gia người Argentina Federico Finchenstein còn đi xa hơn khi so sánh các biện pháp tranh cử của Bolsonaro với các biện pháp của Joseph Goebbels, chuyên gia quảng bá của Adolf Hitler (“Bolsonaro không theo khuôn mẫu của Berlusconi, mà là của Goebbels”).
Trả lời phỏng vấn "Deutsche Welle", ông Federico Finchelstein nhấn mạnh rằng “Bolsonaro không phải Hitler… Điều mà chúng ta đang trải nghiệm trên toàn thế giới không phải là sự trở lại của các nền độc tài hay chủ nghĩa phát xít cũ, mà là sự nổi lên của các chính trị gia phát triển một hệ thống độc đoán sử dụng chính nền dân chủ, mặc dù họ cũng muốn tránh những cực đoan của nền độc tài.”
Finchelstein, người từng viết vài cuốn sách về chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa phát xít tại Mỹ Latinh và châu Âu, hiện là Giáo sư tại trường Nghiên cứu Xã hội New York, cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp Bolsonaro. Trong chiến dịch tranh cử, chính trị gia cực hữu này đã nhiều lần coi nền dân chủ là một “thứ tầm phào” và nhìn nhận thời kỳ độc tài quân sự tại Brazil (1964-1985) như một thời kỳ ổn định.
Chiến thắng của cựu sĩ quan quân đội này được dự báo trước một cách rộng rãi khi ông luôn luôn dẫn đầu các cuộc thăm dò (không tính tới cựu tổng thống Lula da Silva, người sau đó bị tước quyền tranh cử). Song, ông thậm chí còn vượt qua mọi dự đoán khi giành được tỷ lệ ủng hộ lên tới 46% tại vòng 1. Fernando Haddad, đối thủ lớn nhất của ông từ Đảng Lao động (PT) cánh tả, chỉ giành được 28,5% phiếu bầu, bỏ khá xa khoảng cách với ông.
[Ứng cử viên tổng thống Brazil tố cáo âm mưu phát tán tin giả]
Tới nay, sau nửa chặng đường vận động giữa 2 vòng bầu cử (bầu cử vòng 2 sẽ diễn ra ngày 28/10), ông Haddad vẫn chưa thu hẹp được nhiều khoảng cách 18 triệu phiếu bầu trong vòng 1, và ông Bolsonaro cùng đội ngũ tranh cử thuộc Đảng Xã hội Tự do (PSL) hiện đã quay sang chiến thuật “bảo toàn lợi thế” bằng cách tránh mọi vấp váp không đáng có trong giai đoạn cuối, kể cả các cuộc tranh luận trên truyền hình từng làm chính trị gia có thâm niên 20 năm làm nghị sĩ này mất điểm trước đây khi để lộ ra sự thiếu kinh nghiệm về điều hành kinh tế của mình.
Theo nhiều nhà bình luận tại Mỹ Latinh, kết quả vòng 1 vừa qua phản ánh xu hướng phi dân chủ mạnh mẽ trong xã hội Brazil khi Bolsonaro-luôn thể hiện rõ là một nhân vật trọng nam khinh nữ, phân biệt chủng tộc, độc đoán, ủng hộ hình thức sử dụng bạo lực-được bầu chọn với số phiếu cao bất ngờ. Thậm chí, đa số những cử tri này sẵn sàng bỏ phiếu cho ông tới 2 lần.
Chiến thắng trong tầm tay ngày càng rõ ràng của Bolsonaro đang tạo ra những cảm giác hỗn loạn tại Mỹ Latinh. “Sự lựa chọn của Brazil là giữa quá khứ và vực thẳm,” bình luận trên tuần báo “Perfil” của Argentina giật tít. Sau cuộc bỏ phiếu vòng 1, nhà nghiên cứu chính trị Esteban Actis của Argentina, bình luận trên Twitter: “Vực thẳm đang ở đây.” Một nhà báo khác trình bày quan điểm của mình về Bolsonaro qua việc giải thích cho độc giả về cuốn sách rất thành công mang tên “Ông ta đã trở lại” và đặt tên cho chính bài báo của mình là “Hitler đã trở về.”
Đây là điều dễ hiểu vì một khi ông Bolsonaro đắc cử, sự kiện này sẽ có tác động tiêu cực mạnh trong tương lai tới nền dân chủ trong khu vực, khi Brazil-thường được mệnh danh là nền dân chủ lớn nhất Mỹ Latinh-có thể trở thành mô hình để các chính trị gia và chính đảng dân túy, bài ngoại khác noi theo. Trong thời gian ngắn vừa qua, khu vực này đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều nhà cầm quyền bảo thủ, như Macri tại Argentina, Pinera tại Chile hay Duque tại Colombia, nhưng chưa ai trong số họ tự công khai đứng vào hàng ngũ ủng hộ chế độ độc tài như Bolsonaro tại Brazil, thậm chí tại đa phần các nước này vẫn được cho là quan điểm chính trị “không thể nghĩ tới.”
Vậy có cách thức nào để ngăn chặn làn sóng dân túy cực hữu tại Mỹ Latinh và trên cả thế giới không? Câu trả lời là có. Trước tiên mọi lực lượng dân chủ phải ý thức được rằng những phong trào dạng này là đòn tấn công trực diện vào nền dân chủ, còn câu trả lời tốt nhất cho chủ nghĩa dân túy vị kỷ và đầy tính ứng biến ngẫu hứng chính là một chính sách có định hướng và được lập trình bám sát theo sự việc thực tiễn.
Đó là một thực hành cơ bản nhưng đã bị bóp méo theo nhiều cách trong những năm qua, gây ra sự phẫn nộ và phản kháng của dân chúng qua lá phiếu. Tuy vậy, về lâu về dài, như nhà sử học Finchelstein nhận xét, “sự thiên lệch của các chương trình phi lý của những kẻ dân túy sẽ chỉ trợ giúp cho sự trở lại của một tầm nhìn cẩn trọng và có kế hoạch của những người dân chủ.”