Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều sóng dữ, con thuyền FPT Software vẫn vững vàng trên thị trường dịch vụ phần mềm với mức tăng trưởng đáng nể, cán đích 100 triệu USD doanh thu.
Không hài lòng với thành công ấy, Hoàng Nam Tiến - vị thuyền trưởng của FPT Software đang hướng tới mục tiêu “phình to” gấp đôi hiện tại vào năm 2016 và mốc ở tương lai xa là 1 tỷ mỹ kim…
“Chiến tướng” của FPT
Sau rất nhiều cuộc điện thoại, nhắn tin hẹn hò rồi lỡ hẹn thì cuối cùng tôi cũng gặp được Hoàng Nam Tiến trong một chiều cuối Đông bận rộn. Ấy thế mà khi đến nơi, cũng phải mất tới cả tiếng đồng hồ ngồi đợi, tôi mới tiếp cận được vị Chủ tịch đang đưa FPT Software vượt qua sóng dữ trong thời buổi kinh tế còn nhiều khó khăn.
Khác với dáng người mập mạp, bệ vệ có vẻ… quan chức của mình, Hoàng Nam Tiến mở đầu câu chuyện của mình một cách cởi mở và thậm chí có vẻ… bụi bặm. Cái cách vào đề không suồng sã nhưng cũng chẳng xã giao khiến người đối diện cảm thấy dễ chịu và bị cuốn hút theo những câu chuyện của anh, từ việc cắt bánh chưng kiểu Hà Nội xưa cho tới ngành phần mềm vươn ra biển lớn.
Tiến “béo” gia nhập FPT sau khi học xong Kỹ sư Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1993. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi, hai năm sau anh trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Phân phối Máy tính FCD, rồi Trưởng phòng Kinh doanh FPT Hà Nội năm 1996 và kiêm luôn chức Phó Giám đốc chi nhánh FPT Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002.
Xông pha trận mạc và có nhiều “chiến công” rực rỡ, đến 2003, Hoàng Nam Tiến ngồi lên vị trí Tổng Giám đốc Công ty phân phối FPT. Thành công nối tiếp thành công, tới năm 2011, anh ngồi vào “ghế” Chủ tịch FPT Software, giữ trọng trách đưa con tàu phần mềm lớn nhất Việt Nam thẳng tiến trên bản đồ công nghệ thế giới.
Ở giai đoạn 2004-2013, mức tăng trưởng bình quân về doanh thu của FPT Software tương ứng 49%/năm và lợi nhuận là 43%/năm. Đây là một con số đáng nể, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vài năm qua hết sức khó khăn.
Một bằng chứng không thể phủ nhận là trong cái kết quả kinh doanh cán mốc 100 triệu USD năm 2013, công của Hoàng Nam Tiến là rất lớn. Vốn là tuýp người khát khao chinh phục cái mới, Tiến “béo” làm việc có lẽ là với một cường độ khó ai bì kịp.
Chỉ riêng 2013, anh đã tham gia tới ngót 1.000 buổi họp, bay 106 chuyến. Trong đó, có những chuyến đi khá dày đặc mà theo anh “điểm” lại trên trang cá nhân thì: “Tháng 1 với một tuần lễ crazy: Thứ hai New York -3 độ, thứ Ba Minneapolis -25 độ, tối Texas +24 độ, thứ Tư seattle -2 độ, thứ Năm Los Angeles +29 độ, chủ nhật về đến Hà Nội chẳng còn biết nóng lạnh."
Là “chiến tướng,” nhưng Tiến béo cũng rất dí dỏm. Với bộ trang phục khá “ngầu,” anh đã làm cho cả vài trăm người “tròn xoe mắt” thán phục khi “đọc Rap tổng kết” trong Lễ kỷ niệm 15 năm FPT Software như một Rapper chuyên nghiệp.
Đầu tư nhân lực là chìa khóa
Những con số biết nói ở FPT Software đã đủ khắc họa những khát khao, đóng góp to lớn của người FPT trong cuộc trường chinh trên bản đồ phần mềm thế giới. Họ đã được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng ghi nhận trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập: FPT Software là một trong những doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Đông Nam Á, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thương hiệu xuất khẩu phần mềm, đặc biệt là gia công phần mềm của Việt Nam.
Thành công, nhưng FPT Software chắc hẳn vẫn biết có rất nhiều người kỳ vọng vào họ với vai trò không chỉ là một con tàu đi đầu trong mảng dịch vụ phần mềm. Còn với Tiến “béo,” ước mơ của anh chính là đưa FPT Software cán mốc 1 tỷ doanh thu/năm.
Trong câu chuyện, anh say sưa kể về những thị trường thế giới như Mỹ, Nhật, Anh… và những “cơ hội mười mươi” có thể mang ngoại tệ về cho đất nước, mang công ăn việc làm cho hàng nghìn, hàng chục nghìn sinh viên công nghệ mới ra trường. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt vẫn ở đâu đó chứ chưa ngó tới, hoặc có nhòm ngó tới thì chưa đủ năng lực để đáp ứng.
Cái năng lực ở đây không phải là năng lực chuyên môn, mà là ở chỗ thiếu con người. Bản thân Hoàng Nam Tiến đã phải từ chối những đơn hàng do không đủ người làm việc. Mà thật ra, con người lành nghề công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng không hẳn đã thiếu, mà cái thiếu đáng buồn nhất, chính là họ không biết ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc Nhật).
Để đạt được ước mơ doanh thu 1 tỷ USD và hàng chục nghìn nhân viên, Tiến “béo” bảo sẽ tập trung mọi nguồn lực để khai thác hiệu quả, nhất là các cơ hội đến từ khách hàng truyền thống. FPT Software sẽ chớp lấy dịch vụ theo hướng công nghệ, khách hàng và thị trường mới.
Ngoài ra, công ty đã có hướng chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư cho nguồn nhân lực. Theo dự kiến, FPT Software sẽ chi 3-5% tổng doanh thu hàng năm cho công tác đào tạo, sẽ xây dựng một hệ thống đào tạo mới trên cơ sở E-Learning với các chương trình, chính sách đẩy mạnh văn hóa tự học trong toàn đơn vị.
Bên cạnh đó FPT Software sẽ hợp tác với các trường đại học Việt Nam và quốc tế để trong năm 2014 sẽ đào tạo đội ngũ kỹ sư cầu nối lên tới 500 người cũng như tuyển dụng nhân viên nước ngoài, mở rộng nguồn nhân lực quốc tế.
Chặng đường 1 tỷ USD có lẽ còn khá dài. Song, với khát vọng chinh phục và sức làm việc không ngày đêm của Tiến “béo” cũng như toàn thể nhân viên FPT Software, có lẽ đây sẽ là doanh nghiệp phần mềm đầu tiên cán đích con số ước mơ ấy, như kỷ lục 100 triệu USD họ đã làm được trong năm 2013./.