Chính phủ Afghanistan và Taliban khởi động đàm phán

Taliban và Chính phủ Afghanistan đã bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao, với mục tiêu chấm dứt cuộc chiến thông qua thương lượng.
Tờ Bưu điện Washington ngày 5/10 đưa tin Taliban và Chính phủ Afghanistan của Tổng thống Hamid Karzai đã bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao, với mục tiêu chấm dứt cuộc chiến tại quốc gia Tây Nam Á này thông qua thương lượng.

Tờ báo dẫn các nguồn tin Afghanistan và Arập cho biết trong cuộc đàm phán đầu tiên này, có sự tham gia của các đại diện của Quetta Shura - nhóm Taliban Afghanistan tại Pakistan và của thủ lĩnh Taliban Mohammad Omar. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trên sẽ không bao gồm đại diện của nhóm Haqqani là mục tiêu đang bị lực lượng Mỹ tăng cường tấn công.

Theo bài báo, cuộc thương lượng bao gồm các thỏa thuận cho phép các thủ lĩnh Taliban tham gia Chính phủ Afghanistan cùng việc Mỹ và NATO rút quân khỏi nước này. Một nguồn tin cho rằng các đại diện của Taliban "rất nghiêm túc" trong việc tìm kiếm một lối thoát.

Tờ Bưu điện Washington cho rằng mặc dù Omar và các thủ lĩnh Taliban ở cả Afghanistan và Pakistan trong nhiều năm qua đều khẳng định không thể đàm phán hòa bình trước khi binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan, nhưng các thủ lĩnh này đều hiểu rằng họ sẽ bị gạt ra bên lề, và rằng đàm phán với chính quyền là cách thức để bảo vệ vị trí của họ. Theo bài báo, các cuộc đàm phán trên sẽ không bao gồm đại diện của nhóm Haqqani, là mục tiêu đang bị lực lượng Mỹ tăng cường tấn công.

Tuần trước, Tư lệnh lực lượng NATO tại Afghanistan David Petraeus cho rằng Taliban đã tiếp cận gần hơn với chính quyền Afghanistan và lực lượng liên quân.

Theo ông này, khoảng 20 nhóm vũ trang nhỏ trên cả nước đã đưa ra đề nghị thương lượng theo chương trình hỗ trợ các sỹ quan trung cấp và binh sỹ Taliban quay lại hòa nhập với xã hội Afghanistan. Tướng Petraeus cũng khẳng định NATO ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Karzai nhằm đối thoại với các lãnh đạo Taliban.

Người phát ngôn của Taliban đã bác bỏ tuyên bố của Tướng Petraeus, cho rằng truyên bố trên là "hoàn toàn không có cơ sở".

Trong một diễn biến khác, chín người đã thiệt mạng và 26 người bị thương sau khi khoảng năm quả bom phát nổ đêm 5/10 tại thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan. Loạt vụ đánh bom này xảy ra chỉ một ngày sau khi Phó Thị trưởng Kandahar, ông Noor Ahmad Nazari bị hai kẻ ám sát bằng súng. Trước đó, ngày 4/10, bốn người đã thiệt mạng và 11 người bị thương trong vụ tấn công một đoàn xe của cảnh sát ở trung tâm Kandahar.

Bất chấp sự hiện diện của gần 150.000 binh sỹ nước ngoài, tình trạng bạo lực tại Afghanistan đã trở nên nghiêm trọng nhất kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, số dân thường thiệt mạng trong các vụ bạo lực tại Afghanistan trong nửa đầu năm 2010 tăng 31% so với cùng kỳ năm 2009. Với con số 562 binh sĩ thiệt mạng, năm 2010 là năm thương vong nhiều nhất đối với lực lượng liên quân tại Afghanistan kể từ khi cuộc chiến bắt đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục