Chính phủ Đức đánh giá cao hợp tác phát triển với Việt Nam

Chính phủ Đức cho biết việc hợp tác với Việt Nam là cần thiết để cung cấp hàng hóa công cộng mang tính toàn cầu và giải quyết các vấn đề toàn cầu trong tương lai, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu.
Chính phủ Đức đánh giá cao hợp tác phát triển với Việt Nam ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chính phủ Đức đánh giá cao sự hợp tác phát triển với Việt Nam, nhấn mạnh tính hiệu quả và chất lượng trong hợp tác song phương.

Đánh giá trên vừa được Chính phủ Đức đưa ra khi phúc đáp câu hỏi của một số nghị sỹ nước này về vấn đề hợp tác phát triển của Đức với Việt Nam.

Chính phủ Đức đã chọn Việt Nam là một trong tám đối tác toàn cầu, cùng với Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Peru và Nam Phi. Việc hợp tác với nhóm nước vốn chiếm 45% dân sô toàn cầu này là nhằm tìm ra "các giải pháp chung cho những vấn đề toàn cầu trong tương lai đối với phát triển bền vững, trung hoà carbon, có khả năng phục hồi và mang tính bao trùm."

Bên cạnh đó, trong hợp tác phát triển, Đức cũng đẩy mạnh sử dụng mô hình "hợp tác tam giác" (hợp tác ba bên) với những nước này nhằm thúc đẩy hợp tác một cách chiến lược hơn trong nỗ lực bảo về các hàng hoá công cộng mang tính toàn cầu như khí hậu hay các cánh rừng nhiệt đới. Dựa trên năng lực và tầm quan trọng trong khu vực của các nước, Chính phủ Đức coi việc hợp tác với nhóm nước này là rất quan trọng để cùng đương đầu với các thách thức toàn cầu, trong đó, mỗi nước có đóng góp theo cách riêng.

Chính phủ Đức đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Nếu như năm 1993, Việt Nam vẫn còn 80% dân số sống trong cảnh nghèo đói thì đến năm 2020, con số này chỉ còn 5%. Việt Nam có được sự phát triển tích cực này chủ yếu là nhờ cải cách thị trường, mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, đưa vào áp dụng và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân.

Do sự phát triển kinh tế nổi bật cùng với vai trò là một thành viên có ảnh hưởng trong ASEAN, Chính phủ Đức nhìn nhận Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực. Việc hợp tác với Việt Nam là cần thiết để cung cấp hàng hóa công cộng mang tính toàn cầu và giải quyết các vấn đề toàn cầu trong tương lai, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chuỗi cung ứng bền vững, phát triển kinh tế bền vững.

[Hợp tác đầu tư tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt-Đức]

Về hợp tác phát triển với Việt Nam, Chính phủ Đức cho biết kể từ năm 2018 đến nay, số vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà Đức cấp cho Việt Nam theo diện "hợp tác tam giác" đạt 1,528 triệu euro. Trong năm 2021, Chính phủ Đức cam kết viện trợ hợp tác phát triển và hợp tác kỹ thuật cho Việt Nam 152,11 triệu euro. Trong khuôn khổ Sáng kiến Bảo vệ khí hậu quốc tế, hiện có 7 dự án song phương đang được triển khai với tổng giá trị khoảng 25,4 triệu euro, tập trung vào tư vấn chính sách khí hậu về các chủ đề giảm khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngoài ra, một dự án của Bộ Môi trường liên bang với tổng giá trị khoảng 11 triệu euro hiện đang được dành cho chương trình chống rác thải biển ở Việt Nam. Bên cạnh đó, có 3 dự án song phương đang trong quá trình chuẩn bị với tổng số vốn theo kế hoạch là 39 triệu euro, trong khi đối với 3 dự án khu vực và 2 dự án toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ nhận được tổng cộng khoảng 64 triệu euro.

Về tổng thể, Chính phủ liên bang Đức đánh giá kết quả hợp tác phát triển với Việt Nam "thành công;" chất lượng hợp tác cũng như hiệu quả của sự hợp tác tam giác với Việt Nam là "rất tốt." Các chính sách phát triển của Đức đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ chính trị với ASEAN, bao gồm các lĩnh vực chính sách môi trường-khí hậu-và năng lượng, quản trị tốt, đào tạo nghề, kết nối, luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nhân quyền.

Chính phủ Đức đánh giá cao hợp tác phát triển với Việt Nam ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Đức Olaf Scholz bức thư pháp với nội dung "Hòa bình - Hữu nghị cùng phát triển" tại đền Ngọc Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chính phủ Đức cũng chủ trương thúc đẩy và cải thiện hơn nữa hợp tác kinh tế với Việt Nam, thông qua các giao thức hiện có như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Đức, đặc biệt là từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020. Việt Nam cũng là trọng điểm khi Đức tìm kiếm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam được hỗ trợ một cách công bằng về mặt xã hội.

Chính phủ Đức cũng đánh giá hợp tác phát triển của Đức đã góp phần hỗ trợ Việt Nam mở cửa nền kinh tế trong những năm qua, giúp Việt Nam phát triển một cách bền vững, thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và công bằng xã hội, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và ngăn ngừa đại dịch...

Trong chuyến thăm Việt Nam trung tuần tháng 11/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định rằng với nước Đức, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của Chính phủ và doanh nghiệp Đức.

Đề cập đến bảo vệ môi trường và chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Đức nêu rõ Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng rất nặng nề về biến đổi khí hậu. Đức mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng khí CO2. Các chương trình đối thoại về năng lượng giữa Việt Nam và Đức đã được bắt đầu trong năm 2022 tạo cơ sở để hai nước trao đổi về cơ hội, thách thức.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, Đức cũng ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động của ASEAN, từ đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác giữa Đức và ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục