Indonesia có kế hoạch mở rộng và hiện đại hóa các cảng biển trong năm nay, bao gồm: cảng Malahayati thuộc Aceh Besar, cảng Belawan của Medan ở Bắc Sumatra, cảng Kuala Tanjung thuộc Batubara, Bắc Sumatra và cảng Dumai ở quần đảo Riau Dumai.
Người phát ngôn của Pelindo, Công ty khai thác Cảng của Nhà nước Indonesia, Eriansyah, ngày 25/1, cho biết: "Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng và mở rộng 24 cảng trên cả nước đến năm 2019 với ngân sách khoảng 5-6 tỷ USD theo chương trình phát triển biển của Chính phủ."
Cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã được giao nhiệm vụ mở rộng 15 cảng thương mại trong năm 2015 để nâng hiệu suất khai thác các cảng biển thuộc sự quản lý của Pelindo I, Pelindo II, Pelindo III và Pelindo IV (các Công ty khai thác Cảng của Nhà nước).
Ngoài ra, Bộ giao thông vận tải cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào việc mở các cảng phi thương mại tại các khu vực còn đang bị cô lập.
Hadi M Djuraid, một nhân viên đặc biệt thuộc Bộ giao thông vận tải cho biết: “Chính sách này là nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và triển khai nhanh cơ sở hạ tầng để giải quyết tình trạng bị cô lập của một số hòn đảo bên ngoài và các vùng còn lạc hậu. Việc tiếp tục phát triển các cảng nhỏ sẽ được bàn giao cho bốn nhà khai thác cảng nhà nước."
Ông cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải đã dành gần 492.600 tỷ rupiah trong ngân sách nhà nước năm 2015 giao cho bốn nhà khai thác cảng nhà nước nhằm đầu tư phát triển và hiện đại hóa 15 cảng trong năm nay.
Trước đó, vào cuối năm 2014, Pelindo II cũng đã công bố kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu trong tháng 4/2015 để đảm bảo nguồn tài chính cho việc xây dựng ba cảng mới ở Tanjung Api-Api, Nam Sumatra; ở Sorong, Tây Papua và ở Tây Kalimantan.Việc xây dựng các cảng mới dự kiến sẽ bắt đầu trong quý 3 năm nay và có khả năng cuối năm 2018 sẽ đi vào hoạt động.
Hiện nay, Indonesia có tất cả 1.241 cảng biển và 112 trong số đó thuộc sự quản lý, khai thác của bốn công ty khai thác cảng nhà nước, phần còn lại thuộc Bộ Giao thông Vận tải thông qua các đơn vị kỹ thuật điều hành./.