Chính phủ Mali và phiến quân thỏa thuận ngừng bắn

Chính phủ Mali đã ký thỏa thuận ngừng bắn với nhóm phiến quân ly khai người Tuareg tại Burkina Faso sau gần hai tuần đàm phán.
Ngày 18/6, Chính phủ Mali đã ký thỏa thuận ngừng bắn với nhóm phiến quân ly khai người Tuareg tại thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso sau gần hai tuần đàm phán dưới sự trung gian của các nhà hòa giải có tầm ảnh hưởng trong khu vực, của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Theo thỏa thuận ngừng bắn này, quân đội chính phủ và chính quyền dân sự có thể trở lại thị trấn miền Bắc Kidal do phiến quân Tuareg nắm giữ trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 28/7 tới. Dự kiến, hai bên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình lâu dài sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mon ngày 18/6 đã hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận nói trên, đồng thời kêu gọi hai bên bắt đầu thực thi ngay thỏa thuận này.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Mali Bert Koenders cho biết thỏa thuận này là bước đi đầu tiên, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hướng tới tương lai. Ông kêu gọi các bên cùng nỗ lực thực thi thỏa thuận để bắt đầu một tiến trình hòa bình ở Mali.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hoan nghênh thỏa thuận giữa các bên tại Mali, gọi đó là một "bước tiến lớn" trong việc tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Mali, trong khi Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton coi thỏa thuận này có tầm quan trọng "lịch sử".

Theo tạp chí Afrique, để tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng Bảy tới, binh sỹ Mali sẽ được triển khai từng bước ở vùng Kidal trong thời gian sớm nhất, còn lực lượng làm nhiệm vụ mở đường sẽ được đưa đến thành phố này ngay lập tức. Các nhóm vũ trang Tuareg cam kết sớm tập trung quân của mình tại một số địa điểm.

Phái bộ Liên hợp quốc ổn định Mali (MINUSMA) sẽ cùng hai bên triển khai kế hoạch này. Tuy nhiên, vấn đề giải giáp vũ khí đối với phiến quân Tuareg sẽ chỉ được tiến hành sau khi một thỏa thuận "hòa bình tổng thể và vĩnh viễn" được ký giữa chính quyền mới được thành lập sau bầu cử tổng thống và các cộng đồng cũng như các nhóm vũ trang ở Bắc Mali.

Mali đã rơi vào xung đột sau khi Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sỹ quan quân đội lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure hồi tháng 3/2012. Cuộc binh biến đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng người Tuareg chiếm giữ các tỉnh miền Bắc.

Lo ngại xung đột tại Mali có thể châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mới trong khu vực, Chính phủ Pháp đã cấp tốc điều động binh sỹ đến Mali từ tháng 1/2013 giúp chặn đứng các làn sóng tấn công "Nam tiến" của quân nổi dậy.

Dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp, các chiến dịch truy quét của binh sỹ Mali đã đạt được nhiều thành quả, giành lại hầu hết các khu vực miền Bắc Mali từ tay lực lượng Hồi giáo vũ trang. Pháp đã quyết định kéo dài thời hạn rút quân khỏi Mali cho đến khi nước này tổ chức xong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Bảy tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục