Chính phủ Nam Phi khẳng định nỗ lực trấn áp làn sóng bài ngoại

Chính phủ Nam Phi khẳng định nỗ lực trấn áp làn sóng bài ngoại và sẽ làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo an toàn cho tất cả các công dân.
Chính phủ Nam Phi khẳng định nỗ lực trấn áp làn sóng bài ngoại ảnh 1Một người nước ngoài cầm vũ khí trên đường phố Durban trong khi cảnh sát đang đụng độ với nhóm phản đối người nhập cư. (Nguồn: Getty)

Ngày 17/4, Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế và Hợp tác Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane đã gặp Đại sứ các nước châu Phi ở Pretoria để thông báo về những nỗ lực của chính phủ nước này trong việc trấn áp làn sóng bài ngoại tại các tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 5.000 người phải rời bỏ nơi cư trú.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Pretoria sau cuộc gặp, bà Nkoana-Mashabane nhấn mạnh rằng các vụ tấn công bạo lực nhằm vào các công dân nước ngoài ở tỉnh KwaZulu-Natal và một số khu vực khác là hành động không thể chấp nhận được và chính phủ Nam Phi lên án mạnh mẽ hành động này.

Bà cũng khẳng định Chính phủ Nam Phi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo an toàn cho tất cả các công dân.

Bộ trưởng Nkoana-Mashabane nêu rõ Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã công bố một loạt biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng hành hung và cướp bóc tài sản của các công dân nước ngoài tại Nam Phi, trong đó có việc cử một số bộ trưởng tới phối hợp với các chính quyền địa phương để khôi phục trật tự.

Ngoài ra, quân đội Nam Phi cũng được triển khai trong bối cảnh bạo lực đã lan từ thành phố cảng miền Đông Durban tới Pietermaritzburg và Johannesburg.

Thông qua 53 vị Đại sứ của các nước châu Phi khác tại Nam Phi, bà Nkoana-Mashabane đã cảm ơn với các chính phủ châu Phi từng ủng hộ mạnh mẽ Nam Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid trước đây, đồng thời xin lỗi về những hành động "đáng hổ thẹn" của một bộ phận nhỏ dân chúng Nam Phi.

Trước diễn biến tại Nam Phi, ngày 17/4, Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời nhấn mạnh nạn nhân trong các vụ tấn công bài ngoại đều là những người phải tị nạn do chiến tranh và khủng bố. Đa số mục tiêu của các vụ bạo lực là người Mozambique, Malawi, Zimbabwe, Somalia, Congo and Nigeria.

Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) lên án những hành động "bài ngoại, dã man nhằm vào người nước ngoài," đồng thời hối thúc Chính phủ Nam Phi nhanh chóng hành động để chấm dứt bạo lực. Các quốc gia láng giềng như Zimbabwe, Malawi đã lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Nam Phi.

Đại sứ Zimbabwe tại Nam Phi Isaac Moyo cho biết sẽ bắt đầu hồi hương khoảng 1.000 người khỏi Durban vào ngày 19/4. Mặc dù không có công dân Uganda nào là nạn nhân trong các vụ tấn công tại Nam Phi, song Chính phủ Uganda vẫn kêu gọi công dân nước này cảnh giác cao độ, đặc biệt tại Durban and Johannesburg.

Cùng ngày, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã triệu Đại sứ Nam Phi tại Nigeria tới để yêu cầu Chính phủ Nam Phi ngăn chặn làn sóng bạo lực nhằm vào công dân các nước châu Phi khác, trong đó có công dân Nigeria.

Bà Nnenna Elendu-Ukeje, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nigeria, đã kêu gọi sơ tán các công dân nước này khỏi Nam Phi trong vòng 24 giờ và cho biết Ủy ban này sẽ tiếp xúc thường xuyên với Bộ Ngoại giao Nigeria để tìm biện pháp bảo vệ các công dân của mình tại Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục