Chính phủ Pakistan và phe đối lập đàm phán dứt khủng hoảng

Chính phủ Pakistan và phe đối lập đàm phán chấm dứt khủng hoảng

Các bộ trưởng trong chính phủ Pakistan và các chính trị gia đối lập đã đàm phán chấm dứt khủng hoảng tại thủ đô Islamabad.
Chính phủ Pakistan và phe đối lập đàm phán chấm dứt khủng hoảng ảnh 1Lực lượng an ninh Pakistan gác trên đường phố. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan, ngày 20/8, các bộ trưởng trong chính phủ nước này và các chính trị gia đối lập đã tiến hành hội đàm tại thủ đô Islamabad.

Tham gia cuộc đàm phán cuối ngày 20/8 có các đoàn đại diện của Chính phủ Pakistan, giáo sỹ Tahir ul-Qadri - thủ lĩnh Phong trào Nhân dân Pakistan (PAT) và ông Imran Khan, Chủ tịch đảng Pakistan Tehreek-e-Insaaf (PTI) đối lập.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, Thống đốc bang Punjab Chaudhry Muhammad Sarwar, một thành viên trong nhóm đàm phán của chính phủ, cho biết hai bên đã tiến hành 2 vòng đối thoại trên tinh thần hợp tác và chân thành, đồng thời bày tỏ hy vọng tình hình sẽ tiến triển trong những ngày tới.

Trong khi đó, một lãnh đạo của PAT là ông Raheeq Abbasi nói rằng cuộc đàm phán đã thảo luận về vụ lực lượng cảnh sát bị tình nghi giết hại 10 công nhân của PAT tại thành phố Lahore hồi tháng 6. PAT yêu cầu chính phủ phải ngay lập tức điều tra vụ việc và bắt giữ những người liên quan.

Theo quan chức này, Thủ tướng Nawaz Sharif phải từ chức và đảng này không kỳ vọng vào công lý nếu ông còn tại vị.

Trong khi đó, phát biểu trước những người ủng hộ bên ngoài tòa nhà Quốc hội, Chủ tịch PTI Imran Khan đã kêu gọi giải tán ủy ban bầu cử quốc gia, đồng thời tiến hành cải cách tránh gian lận trong bầu cử.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ do các ông Imran Khan và ul-Qadri dẫn đầu ngày 20/8 bao vây tòa nhà Quốc hội và các bộ chủ chốt tại "Vùng Đỏ," khu vực được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt với nhiều cơ quan chính phủ quan trọng và đại sứ quán nhiều nước ở trung tâm thủ đô.

Có lo ngại cho rằng hoạt động của người biểu tình tại tòa nhà quốc hội có thể gây xung đột, nhưng cảnh sát chống bạo loạn và các lực lượng an ninh khác chỉ giám sát và chưa có hành động can thiệp.

Những diễn biến căng thẳng trên chính trường Pakistan đang đặt ra câu hỏi về sự can thiệp của quân đội, lực lượng có tầm ảnh hưởng lớn tại quốc gia Nam Á này. Kể từ năm 1947 tới nay, đất nước với khoảng 180 triệu dân này đã chứng kiến ba cuộc đảo chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục