Chính phủ Sudan chấp nhận cho miền Nam độc lập

Sudan chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, theo đó khoảng 99% số người tham gia bỏ phiếu ủng hộ miền Nam tách ra độc lập.
Phó Tổng thống Sudan Ali Osman Mohamed Taha ngày 31/1 tuyên bố chính phủ nước này chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, theo đó khoảng 99% số người tham gia bỏ phiếu ủng hộ miền Nam tách ra độc lập.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Khartum, ông Taha cho biết chính phủ sẽ "theo đuổi chính sách quan hệ láng giềng tốt với miền Nam."

Ông cũng cam kết thúc giục các ủy ban hỗn hợp giải quyết mọi vấn đề đang được thảo luận giữa Khartum và Juba, thủ phủ miền Nam, nhất là vấn đề khu vực Abyei nằm giữa hai miền, trước khi miền Nam chính thức tách ra độc lập vào tháng Bảy tới.

Hồi đầu tháng này, hơn 37 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại Abyei trong bối cảnh tranh cãi về việc tỉnh này sẽ ở lại với miền Bắc hay sáp nhập về miền Nam.

Nhà lãnh đạo miền Nam và là thủ lĩnh Phong trào giải phóng nhân dân Sudan (SPLM), ông Salva Kiir cho rằng khu vực Abyei cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của mình, hoặc tổng thống ra một sắc lệnh giao khu vực này cho miền Nam.

Trong khi đó, hội đồng phòng vệ chung Sudan đã nhất trí huy động một lực lượng binh lính hỗn hợp đặc nhiệm đến khu vực điểm nóng này để đảm bảo an ninh cho người du mục và bảo vệ những người muốn trở về miền Nam sinh sống.

Cùng ngày tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 16 được tổ chức ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, các lãnh đạo châu Phi cam kết công nhận kết quả trưng cầu dân ý tại Sudan, đồng thời thúc đẩy tiến trình hội nhập và thống nhất toàn châu Phi.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh AU, một hội nghị cấp cao về Sudan đã được tổ chức tại Trung tâm Hội thảo của Liên hợp quốc tại Addis Ababa.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng Chủ tịch Ủy ban châu Phi Jean Ping, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và nhà lãnh đạo miền Nam Sudan Salva Kiir đã hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý vừa qua.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh sự hợp tác mang tính xây dựng của Chính phủ Sudan và các lực lượng miền Nam đã đem lại hòa bình cho Nam Sudan, khu vực nội chiến kéo dài trong hơn hai thập kỷ.

Lần đầu tiên, các phong trào nổi dậy ở Nam Sudan đã ra tuyên bố chung cam kết cùng tham gia các cuộc thương lượng hoà bình quốc tế sau trưng cầu dân ý, một thoả thuận chưa từng thấy giữa các phong trào này trong tiến trình hoà bình ở Nam Sudan.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cam kết tiếp tục hỗ trợ tiến trình hòa bình ở Nam Sudan sau trưng cầu dân ý, đặc biệt là các vấn đề phân định biên giới, an ninh biên giới, quyền công dân, chia sẻ các nguồn tài lực...

Theo Hiệp định hòa bình được hai bên ký kết năm 2005, Nam Sudan sẽ tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục