Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển

Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được kỳ vọng như một “Hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp.
Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thực hiện lời hứa tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sáng 29/4, tại Hội trường Thống Nhất-Dinh Độc lập, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với sự theo dõi của khoảng 1 vạn doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong cả nước với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước.”

Cùng dự và tham gia đối thoại với doanh nghiệp tại hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và các thành viên Chính phủ.

Dự hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; lãnh đạo các các địa phương; đại diện hàng ngàn doanh nghiệp trong đó có cả các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Đây là một trong ba hội nghị thuộc diện công việc ưu tiên cần triển khai của Chính phủ sau khi kiện toàn, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.

Được kỳ vọng như một “Hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp, hội nghị quan trọng này nhận được sự trông đợi của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân với hy vọng tạo ra một sự phấn khích mạnh mẽ, xóa bỏ những rào cản, trở ngại tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanhh và đóng góp cho nền kinh tế.


Xây dựng chương trình quốc gia khởi nghiệp

Trong phát biểu đầu tiên, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chân thành cảm ơn Thủ tướng đã quyết định gặp gỡ doanh nghiệp như một hoạt động đầu tiên của Chính phủ.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

VCCI đề xuất Chính phủ xây dựng những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức”được cho doanh nghiệp.

Tiếp đó là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Chính phủ có chương trình ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công…

Chuẩn hóa thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn hội nhập

Loại bỏ những giấy phép con, giảm thiểu và chuẩn hóa thủ tục hành chính trong bối cảnh hội nhập cũng là vấn đề được nhiều đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị tại buổi đối thoại.

Đề cập đến bối cảnh Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán.

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính.

Cho rằng chủ đề hội nghị năm nay tạo sự phấn khích cho doanh nghiệp, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đề xuất Chính phủ nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng chỉ nên có 1 nghị định và có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi nhất là các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp…

Đặc biệt tại hội nghị, để tạo sự phấn khích cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch BIDV cam kết sẽ giảm lãi suất tín dụng và bày tỏ mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc phát triển bền vững cho kinh tế đất nước.


Bộ, ngành cam kết phục vụ doanh nghiệp

Một chi tiết rất đáng chú ý tại Hội nghị này là cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều lời hứa đồng hành, cùng hợp tác và phát triển, lời hứa phục vụ doanh nghiệp của người đứng đầu các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ.

Như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những biểu hiện này hết sức có ý nghĩa, đánh dấu một bước chuyển mình trong nhận thức, tư duy của các Bộ trưởng, trưởng ngành - những người giữ vai trò hết sức quan trọng trong quản lý, điều hành kinh tế-xã hội của đất nước.

Mở đầu phần giải đáp của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên trong hành động của Bộ.

Cho biết, sẽ có những hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ đẩy mạnh thực thi những tư tưởng đổi mới trong Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng như tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.”

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Giải đáp nỗi lo của doanh nghiệp về lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ phấn đấu đến hết 2017 nâng cao hiệu quả tài chính trong các lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm; phấn đấu trước 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế như thời gian nộp thuế và giảm thời gian thông quan hàng hóa. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể mức nộp thuế của Việt Nam để bảo đảm công bằng, bình đẳng, phù hợp với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công trong lĩnh vực do Bộ quản lý và sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Phát biểu trước hàng ngàn doanh nghiệp tại hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Phát biểu ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh.

Cũng tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với Chủ tịch VCCI.

Theo nội dung cam kết, Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử, giải quyết đang ký kinh doanh qua mạng trong vòng hai ngày làm việc; nộp thuế điện tử 90%.... Thành phố Hồ Chí Minh cam kết giảm 50% thủ tục hải quan so với hiện tại…

Chứng kiến lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tất cả các địa phương đều phải thực hiện ký cam kết đồng hành với doanh nghiệp để tổ chức thực hiện. Chính phủ sẽ kiểm tra, đôn đốc công việc này.

Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Gần 13 giờ chiều cùng ngày, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chân thành cảm ơn các thành viên Chính phủ, các cơ quan Quốc hội, cơ quan tư pháp, Ủy ban Nhân dân các địa phương và 1 vạn doanh nghiệp đã theo dõi hội nghị có ý nghĩa đặc biệt này.

Nhắc đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước thời gian qua đã tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ sự phát triển doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh như hiện nay.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, hướng tới hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại vẫn chưa thực sự thuận lợi cho đất nước phát triển.

Chỉ ra một số hạn chế, Thủ tướng cho rằng, việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để doanh nghiệp phải chờ đợi; có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp; thực tế triển khai các cải cách chưa đạt như mục tiêu đề ra...

Đặt vấn đề với đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, gìn giữ liêm chính trong phát triển. Doanh nghiệp phải chủ động, sáng tạo, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu," Thủ tướng khuyến nghị.

Nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ; doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng khẳng định Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

“Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số doanh nghiệp an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, không sớm nắng chiều mưa về chính sách,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Đề cập đến nhiệm vụ của Chính phủ trong việc tiếp tục bảo đảm kinh tế vĩ mô, gìn giữ môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng chỉ đạo nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý điều hành. Cơ quan Nhà nước phải luôn nhận phần việc khó, ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trước sự tham gia theo dõi của hàng ngàn doanh nghiệp tại hội nghị.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố định kỳ hàng quý phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn. Quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trong đó có các giấy phép con; nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định của pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền. Thủ tướng cũng tán thành với đề xuất về việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp và cho biết sẽ chi đạo xây dựng một Nghị quyết riêng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.

Ngay trong chiều nay, sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ bất thường để tiếp thu, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị được nêu ra tại Hội nghị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục