Đối mặt sức ép biểu tình

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với sức ép biểu tình

Chính phủ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với sức ép ngày càng tăng khi các vụ đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình lan rộng.
Chính phủ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang phải đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng khi các vụ đụng độ giữa cảnh sát với làn sóng biểu tình lan rộng khắp cả nước đã bước sang ngày thứ ba, song vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngày 2/6, tại nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc biểu tình đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Dòng người biểu tình từ các khu vực lân cận thành phố Istanbul và Ankara rầm rập đổ về khu vực trung tâm, giương cao khẩu hiệu đòi chính phủ từ chức.

Văn phòng Thủ tướng Erdogan ở Istanbul bị đám đông bao vây, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán và đã xảy ra đụng độ.

Trong khi đó, tại quảng trường trung tâm của thủ đô Ankara, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát vẫn tiếp diễn. Một số phần tử quá khích đã sử dụng đá và một số vũ khí tự chế tấn công cảnh sát, trong khi một nhóm khác tìm cách xông vào tòa nhà chính phủ, nơi các biện pháp an ninh đã được tăng cường lên mức tối đa.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler cho biết tính đến thời điểm hiện nay đã xảy ra hơn 200 cuộc biểu tình tại 67 thành phố trên toàn quốc, 1.700 người đã bị bắt giữ, gần 200 người bị thương, trong đó có 115 nhân viên an ninh, và thiệt hại lên tới 10 triệu USD.

Cuộc biểu tình vì môi trường phản đối kế hoạch phá một công viên ở dọc quảng trường Taksim để xây dựng trung tâm thương mại biến thành làn sóng phản đối đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền gay gắt nhất kể từ khi đảng này lên nắm quyền năm 2002, sau khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/5 đã sử dụng vũ lực "quá mức" trấn áp những người biểu tình.

Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Erdogan tuyên bố kiên quyết tiến hành đến cùng dự án gây tranh cãi nói trên, cùng với việc AKP thông qua luật cấm bán và quảng cáo đồ uống có cồn khiến tâm lý chống chính phủ gia tăng trên cả nước, đặc biệt là trong giới trẻ.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/6, nhóm tin tặc Anonymous đã đánh sập trang web của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và hiện không thể truy cập được trang Web này. Vụ tấn công này được xem là sự ủng hộ của nhóm tin tặc này đối với làn sóng biểu tình chống chính phủ, đòi Thủ tướng Erdogan cùng nội các của ông từ chức.

Bên cạnh đó, trang web của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và một số bộ trưởng cũng bị tin tặc tấn công và không thể truy cập được, trong khi danh sách trang web của các cơ quan công quyền Thổ Nhĩ Kỳ bị tin tặc "viếng thăm" ngày càng dài thêm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục