Theo phân tích của tạp chí World Politics Review, không khó hiểu khi vấn đề thương mại ít được ưu tiên trong thời dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng điều quan trọng là các chính sách thương mại phải không làm cho tình hình khủng hoảng thêm trầm trọng. Thế nhưng tiếc là Chính phủ một số nước lại đang đi đúng vào con đường đó.
Có thể thấy việc nhiều nước đưa ra lệnh cấm xuất khẩu trang thiết bị y tế khiến tình trạng thiếu thốn những thiết bị này ở những nơi cần nhất (như Italy) trở nên nghiêm trọng thêm.
Còn ở Mỹ, các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhất là các chính sách thuế quan, dường như được cài sẵn ở chế độ tự động, ngay cả khi những chính sách này đang cản trở nỗ lực chống đại dịch và có thể cản trở cả kế hoạch phục hồi kinh tế trong tương lai.
Cấm xuất khẩu là chính sách rất nguy hiểm dù có thể hiểu vì sao một số nước lại phải làm vậy trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng những gì chính quyền của ông Trump đang tiến hành vẫn rất khó hiểu, kể nhìn từ góc độ động cơ chính trị.
Khi đại dịch COVID-19 lan ra toàn cầu và số ca nhiễm đã vượt quá khả năng các hệ thống y tế có thể đối phó, có đến hơn 20 nước, bao gồm cả Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), đã quyết định hạn chế xuất khẩu đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay và kính bảo hộ.
Mặc dù EU được coi là thị trường chung không có rào cản thương mại, các nước như Cộng hòa Czech, Pháp và Đức hồi đầu tháng Ba vẫn hạn chế xuất khẩu một số đồ trang thiết bị y tế nhất định, kể cả là xuất khẩu sang các nước châu Âu khác.
Để giảm đỡ sức ép căng thẳng do tình trạng hạn chế thương mại ngay bên trong khối các nước thành viên, lãnh đạo EU cuối cùng đã nhất trí cho các nước thành viên hạn chế xuất khẩu trang thiết bị y tế ra các nước khác trên thế giới.
Ngay sau đó, Đức đã bãi bỏ quy định phải có giấy phép của chính phủ mới được xuất khẩu đồ bảo hộ cho các nước trong EU, nhưng quy định này không áp dụng đối với các nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, rất ít nước tự sản xuất đủ tất cả trang thiết bị cần dùng trong thời kỳ đại dịch. Và các công ty sản xuất những thiết bị công nghệ cao như máy thở thường phải dựa vào các chuỗi cung ứng với sự tham gia của rất nhiều nước khác nhau. Do đó quy định hạn chế xuất khẩu, nếu áp dụng rộng rãi, có thể dễ dàng phản tác dụng do các chuỗi cung ứng toàn cầu không thể vận hành.
Trong khi đó, nhiều nước nghèo và dễ tổn thương nhất trên thế giới hiện phụ thuộc vào trang thiết bị y tế nhập khẩu từ EU.
Một số nước lý giải họ hạn chế xuất khẩu để cân đối lại giá cả nhưng rõ ràng việc cấm xuất khẩu không thể giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc tính toán lại giá cả, chính phủ các nước nên tìm cách khuyến khích sản xuất và cùng hợp tác với các nước khác để đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế cho những nơi cần nhất.
Hợp tác như vậy sẽ giúp các chính phủ thông qua chính sách xuất khẩu khi trong nước không cần nhiều trang thiết bị y tế và cũng có thể nhập khẩu dễ dàng khi cần. Phối hợp và hợp tác là hai vấn đề cấp thiết đối với các nước trong bối cảnh đại dịch hiện nay bởi không nước nào an toàn tuyệt đối trừ khi tất cả cùng an toàn.
Dường như ông Trump mới chỉ nhận ra đại dịch COVID-19 là hiểm họa thực sự vào tuần trước, song ông dường như vẫn "không hiểu" chiến lược “tất cả cùng một thuyền” có nghĩa là tất cả các cơ quan trong chính phủ Mỹ cần phối hợp với nhau, và khu vực tư nhân cũng như các tổ chức dân sự đều phải chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh lẫn cuộc khủng hoảng kinh tế đang tấn công nước Mỹ.
Trong lĩnh vực thương mại, bất chấp tình trạng khẩn cấp của nước Mỹ, ông Trump và các cố vấn của ông đã không nhanh chóng hành động.
Nhà Trắng lặng lẽ giảm thuế quan áp lên một số mặt hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng động thái đó chỉ được đưa ra khi dịch bệnh đã bùng phát và nhu cầu đối với những sản phẩm đó chắc chắn sẽ tăng lên.
Năm ngoái, Chính quyền của ông Trump đã áp thuế quan 25% lên trang thiết bị y tế nhập khẩu, bao gồm cả dung dịch rửa tay sát khuẩn, nhiệt kế (cặp nhiệt độ) và thiết bị đo nồng độ oxy.
Washington cũng đánh thuế 15% lên rất nhiều mặt hàng bảo hộ cá nhân mà đó chính là những thứ giờ đây nước Mỹ đang thiếu trầm trọng, như khẩu trang và quần áo bảo hộ. Năm nay, thuế của những mặt hàng này đã giảm xuống 7,5% sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Giữa tháng Ba, Chính quyền Mỹ đã thông báo ngừng đánh thuế một số mặt hàng này trong vòng một năm. Nhưng tới thời điểm đó, Trung Quốc đã bán các mặt hàng này cho các thị trường khác, và bởi EU cùng một số nước cung ứng khác hạn chế xuất khẩu nên nguồn cung trang thiết bị y tế lại trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Trong phát biểu của ông Trump trước báo giới vào ngày 18/3, khi được hỏi về lá thư mà một hiệp hội có tên Người Mỹ Ủng hộ Thương mại Tự do đề nghị bãi bỏ thuế quan đánh lên 350 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch, ông Trump đã khẳng định rằng chính Trung Quốc đang phải trả cho Mỹ nhiều tỷ USD bằng nguồn thuế quan.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp và hiệp hội thương mại đã kêu gọi cần giảm thuế ngay từ khi cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng mới bắt đầu.
Những cố vấn thương mại chủ chốt của ông Trump cũng vẫn hành động như thể tình hình kinh tế toàn cầu chưa có gì thay đổi. Ông Robert Lighthizer, Đại diện thương mại Mỹ vẫn tán thành việc tăng thuế nhập khẩu máy bay Airbus như kế hoạch Mỹ đã định từ trước, có hiệu lực vào ngày 18/3. Giờ thì quyết định đó cũng chẳng có ý nghĩa gì bởi ngành hàng không đang hoàn toàn tê liệt.
Tuy nhiên, quyết định đó sẽ khiến các hãng hàng không gặp thêm nhiều khó khăn sau này khi họ hoạt động trở lại. Và chính quyết định này cũng làm mất cơ hội hợp tác với châu Âu.
Mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương vốn sứt mẻ đáng kể bởi Nhà Trắng không trao đổi với các lãnh đạo châu Âu trước khi đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các nước châu Âu hồi đầu tháng Ba.
Các quan chức thương mại Mỹ gần đây vẫn tuyên bố rằng ngày 1/6 sẽ là ngày Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada có hiệu lực sau khi nghị viện Canada đã phê chuẩn hiệp định này.
Thậm chí trước cả khi phải tạm ngừng hoạt động vì dịch COVID-19, ba hãng chế tạo ôtô lớn của Mỹ là General Motors, Ford và Fiat Chrysler đều đề nghị có thêm thời gian để thực hiện những quy định mới về nguồn gốc sản xuất như yêu cầu trong hiệp định và tránh gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, văn phòng thương mại của ông Lighthizer vẫn chưa có ý kiến gì./.