Chính sách hỗ trợ nông nghiệp Hà Nội phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.
Chính sách hỗ trợ nông nghiệp Hà Nội phát triển kinh tế tuần hoàn ảnh 1Một mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. (Nguồn: Vietnam+)

Để ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững và ổn định nguồn cung-cầu trong nước, ngoài hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ngành nông nghiệp cần phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, kinh tế tuần hoàn không phải mô hình lựa chọn mà là tất yếu, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông hộ trong xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình.

Trong hệ sinh thái này, doanh nghiệp cần giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, chế biến.

Bà Đặng Thị Tươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội cho biết nông nghiệp tuần hoàn trên thực tế đã tồn tại gần 20 năm qua tại địa phương với hàng nghìn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác: Vườn-ao- chuồng (VAC), xen canh, gối vụ...

Trong số đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

[Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hướng đi tất yếu của chăn nuôi hiện đại]

Những năm gần đây, hệ canh tác lúa-cá, lúa-vịt... ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Các hệ canh tác tuần hoàn này vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, từ phân bón đến thức ăn chăn nuôi, các mô hình đa canh lúa-cá-vịt... đang chiếm ưu thế, giúp nông dân bám trụ được trong nông nghiệp.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội cho biết hiện nay, nhiều hộ dân tại địa phương áp dụng mô hình cấy lúa tuần hoàn gắn với khai thác, nuôi cua, chạch, cá rô đồng... đạt giá trị cao, thậm chí, thu hoạch từ lúa không lãi cao bằng việc thu từ các giá trị gia tăng tự nhiên.

Nếu hộ dân gieo cấy khoảng vài sào ruộng thì một vụ lúa thu được ít nhất 10-20kg cua, 5-10kg cá rô đồng, 10kg chạch đồng với giá bán dưới dạng "đặc sản" như hiện nay (hơn 100.000 đồng/kg) đã đem tới hiệu quả kinh tế khá cao và qua đó, nông dân có thể sống tốt từ ruộng đồng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất; trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về kinh tế tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được ít nhất 12 vùng cấp huyện đạt tiêu chuẩn vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 80% trang trại chăn nuôi quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Để đạt mục tiêu đó, Hà Nội đẩy nhanh việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao.

Tiến sĩ Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.

Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần bảo vệ, tái sinh môi trường.

Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, cần phát triển nguồn nhân lực ngành chăn nuôi; mở rộng thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, và tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình có hiệu quả…

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng cần thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường. Ngành chăn nuôi cũng cần quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa.

Ngoài ra, cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.

Các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để bảo đảm sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất. Các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này.

“Kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững, của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá. Kinh tế tuần hoàn là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn. Các mô hình này không bị trói buộc bởi một khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc cho mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là rào cản khiến cho tính lan tỏa hạn chế…”- ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục