Chính sách mở đường cho ngư dân vươn khơi bám biển

Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là bước đột phá, giúp ngư dân bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chính sách mở đường cho ngư dân vươn khơi bám biển ảnh 1Đóng mới tàu thuyền cho ngư dân Bình Định. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 7/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây được xem là bước đột phá, giúp cho ngành thủy sản Việt Nam khai thác tiềm năng kinh tế biển.

Từ đây, ngư dân có điều kiện sở hữu những con tàu lớn hiện đại, tích cực tham gia đánh bắt xa bờ, yên tâm bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép

Tại Nghị định 67, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.

Trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến chính sách tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép. Nếu đóng mới tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên) hoặc đóng mới tàu hải sản xa bờ (từ 800 CV trở lên), chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó chủ tàu chỉ trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm.

Khi đóng mới tàu vỏ thép (từ 400 CV đến dưới 800 CV), chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị con tàu với mức phải trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm.

Đặc biệt, với những tàu vỏ thép được đóng mới có công suất từ 400 CV trở lên, chi phí đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; chi phí thiết kế mẫu tàu; kinh phí duy tu, sửa chữa định kỳ cũng sẽ được hỗ trợ 100%.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Chính phủ có chính sách ưu đãi đặc biệt như vậy với những chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép vì chúng ta đang hướng tới phát triển nghề cá hiện đại. Việc hiện đại trước tiên là con tàu, cụ thể là vật liệu đóng tàu. Do đó, những chủ tàu tàu vỏ thép sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi cao hơn nhiều so với các tàu đóng bằng vật liệu truyền thống.

Theo Nghị định 67, những chủ tàu đóng mới vỏ gỗ; tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới; nâng cấp tàu vỏ gỗ (tàu dưới 400 CV thành tàu có công suất 400 CV trở lên) cũng được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới hoặc giá trị nâng cấp và chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.

Ngoài ra, Nghị định cũng có các chính sách về bảo hiểm, thuế và các chính sách khác giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như yên tâm bám biển.

Chẳng hạn như Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu (tàu trên 90 CV). Đồng thời, hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV; 90% đối với tàu 400 CV trở lên.

Cũng theo Nghị định này, thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm; trong đó năm đầu tiên chủ tàu không phải trả lãi và nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay.

Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Với các chính sách hỗ trợ trên, ngư dân Nguyễn Nuôi, ở Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa phấn khởi cho biết đây thực sự là công cụ hỗ trợ rất tốt cho ngư dân. Chính sách đã quan tâm sát với thực tế của ngư dân khi năm đầu tiên ngư dân không phải trả lãi và gốc. Vì đây là thời gian ngư dân sẽ phải ổn định nghề nghiệp, học cách vận hành tàu mới để sản xuất có hiệu quả.


Doanh nghiệp thiết kế, ngư dân chọn tàu

Đi biển hơn 30 năm, ngư dân Mai Thành Phước ở Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa đang có ham muốn được sở hữu con tàu hiện đại để vươn khơi. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở không ít khi thấy từ con tàu vỏ thép của cháu mình là Mai Thành Vân, sau mỗi chuyến biển, chi phí tiêu hao nhiên liệu của tàu vỏ thép là rất lớn, gần gấp đôi tàu gỗ.

"Nếu bỏ vốn mua tàu vỏ thép khoảng 10 tỷ đồng, mỗi năm ngư dân phải chi ra khoảng 1 tỷ đồng trả tiền lãi và gốc, chưa kể chi phí cho mỗi chuyến đi biển. Với chi phí lớn như vậy, các thuyền viên cũng không muốn tham gia đi biển với mình”, ông Phước cho biết.

Nhìn vào các mức hỗ trợ của Chính phủ dành cho ngư dân, ngư dân Phạm Luyện, ở Tuy Hòa, Phú Yên cho biết bản thân ông cũng như nhiều ngư dân khác rất phấn khởi và vui mừng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy nhiên, với ông, người đã hàng chục năm quen với với con tàu vỏ gỗ vì nó nhẹ, dễ xoay trở, dễ chuyển nghề cũng có những lo lắng, băn khoăn bởi tàu vỏ thép đòi hỏi phải làm theo ngành nghề, hay ngư dân không được đóng tàu theo ý mình.

Với chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ này, theo các chuyên gia trong ngành thủy sản, không nên thực hiện theo phương thức “chìa khóa trao tay”.

Để ngư dân được quyền chọn mẫu tàu và quyết định việc đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ duyệt mẫu tàu, còn phần thiết kế để các doanh nghiệp tự cạnh tranh. Các mẫu tàu cũng phải có nghề phù hợp với ngư dân.

“Nếu chỉ đóng tàu to mà không phù hợp với tính năng các nghề cũng không sử dụng được. Chẳng hạn như đóng tàu khai thác cá ngừ đại dương phải kiêm nghề, không chỉ là một nghề vì cá ngừ đại dương khai thác có mùa vụ. Nếu không kiêm nghề sẽ không thành công”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nhận xét.

Để chính sách phát triển thủy sản và chương trình hỗ trợ thực sự thiết thực, đi vào cuộc sống với ngư dân, bà Trần Thị Thu Hà cho rằng các doanh nghiệp nên về các địa phương xây dựng nhà máy đóng tàu để còn phải giám sát, sửa chữa con tàu đó. Nếu để ngư dân Bình Định vào tận Khánh Hòa hay Thành phố Hồ Chí Minh đóng, sửa chữa tàu thì rất khó khuyến khích ngư dân đến với tàu vỏ thép.

Về các điều kiện hỗ trợ cho chủ tàu, theo ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, đó phải là những ngư dân có năng lực thực sự về tài chính, đồng thời là người đã có tàu và tham gia khai thác biển khơi. Các tàu mới nên chú trọng vào các nghề như vây, chụp mực, câu đèn trên các vùng biển ưu tiên.

Để xác định đúng đối tượng được vay, bà Hà góp ý, địa phương sẽ bình chọn công khai để đưa ra danh sách các chủ tàu có tiềm năng, năng lực có thể được đóng tàu.

Danh sách ngư dân phải được kiểm duyệt kỹ vì một trong những lý do các chương trình trước không thành công là có những ngư dân không có đủ năng lực được tham gia. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ xem xét cho vay và chịu trách nhiệm thu hồi vốn vay.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đẩu cũng cho rằng, những chủ tàu này cần thành lập các đội tàu đoàn kết, hợp tác xã từ 8 tàu trở lên cùng chí hướng, cùng nghề khai thác và được hình thành bởi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Như vậy, các tàu này sẽ hỗ trợ nhau sản xuất, xử lý rủi ro trên biển, tìm kiếm ngư trường, tổ chức dịch vụ hậu cần… trong mỗi chuyến biển.

Trên thực tế, để chính sách phát triển thủy sản thực sự đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết: "Chính phủ sẽ trực tiếp hỗ trợ cho chủ tàu, quyền quyết định về mẫu tàu nào, thiết kế như thế nào, thiết bị như thế nào do chủ tàu quyết định. Bộ rất hoan nghênh các công ty, các viện tư vấn nghiên cứu đưa ra các mẫu tốt cho ngư dân. Tổng cục Thủy sản sẽ xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; thẩm định các mẫu tàu để đảm bảo tàu đóng cho ngư dân an toàn và hiệu quả"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục