Chính sách phát triển "xây" từ khủng hoảng kinh tế

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước xây dựng chính sách phát triển từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Ngày 5/3, trong thông điệp gửi Hội nghị cấp cao thế giới đầu tiên về tiếp thị do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) chủ trì tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước xây dựng chính sách phát triển trên cơ sở những bài học được đúc kết từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu mới đây.

Tổng Thư ký cho rằng trong bối cảnh thế giới đã trải qua những biến động lớn làm thay đổi bức tranh chính trị và kinh tế toàn cầu, cộng đồng quốc tế cần đạt được sự đồng thuận quốc tế về nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu mới đây để giúp xây dựng các biện pháp chính sách cả ngắn hạn và dài hạn cần thiết nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại con đường tăng trưởng bền vững.

Giải pháp hợp tác tập thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với giải pháp hành động riêng rẽ. Cộng đồng quốc tế cũng cần định hình lại các quy chế và thể chế cần thiết để ngăn chặn nguy cơ tái diễn những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Theo ông Ban Ki-moon, những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất phải được hỗ trợ lớn hơn để vượt qua hậu quả của khủng hoảng. Đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển cần được quan tâm nhiều hơn vì những nền kinh tế này là nguồn động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông lưu ý rằng chính sách kinh tế khắc khổ của các nền kinh tế phát triển không được làm trệch hướng những cam kết dài hạn tăng viện trợ phát triển cho các nước nghèo. Viện trợ phát triển không phải là làm từ thiện mà là đầu tư thông minh vào an ninh và thịnh vượng toàn cầu và là động lực tăng trưởng tạo nhiều việc làm và mở rộng thị trường.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, bất chấp khủng hoảng, thế giới cũng đã đi vào đường ray hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó châu Phi đạt được những thành tựu chưa từng thấy về tăng trưởng kinh tế và tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, nguy cơ kinh tế dễ bị tổn thương vẫn đe doạ khắp hành tinh.

Trong bối cảnh này, ông kêu gọi các nước hành động để thúc đẩy kết thúc sớm Vòng đàm phán phát triển Doha đã kéo dài hơn một thập kỷ qua. Bỏ lỡ cơ hội này sẽ gây thiệt hại khổng lồ cho tăng trưởng kinh tế và buôn bán toàn cầu, gây tổn thất không thể chấp nhận được về thu nhập và làm mất lòng tin./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục