Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế do Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã có những tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Điển hình, tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 5/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng vượt bão giá
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, có 20/30 ngành công nghiệp cấp II đạt chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ.
Một số ngành tăng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 44,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 33,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 18%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14,2%; sản xuất trang phục tăng 12%...
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng 5,6% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,8%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 4,6%; ngành cơ khí giảm 0,2%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 8,4%. Riêng 3 ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Hòa chung xu hướng tăng của các ngành sản xuất, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 0,1% so với cùng kỳ, nhưng trong đó một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh, gồm: in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế)...
Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt thương mại và dịch vụ trên địa bàn nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước và đạt được mức tăng trưởng dương.
Trong tháng 5/2022, có dịp nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động, SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, do đó nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người tiêu dùng và kích cầu mua sắm.
[Sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh khởi sắc]
Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước tăng gần mức 30.000 đồng/lít đã ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, cũng như giá và doanh thu của nhiều nhóm ngành hàng và dịch vụ trên địa bàn. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã và đang không ngừng nỗ lực vượt bão giá nguyên liệu đầu vào để phục hồi, phát triển tăng trưởng.
Điển hình, trong tháng 5/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và Tập đoàn Sơn KOVA đã chính thức thương mại hóa sản phẩm Vải chống cháy VINATEX- KOVA ra thị trường. Đây là sản phẩm kết hợp giữa công nghệ dệt nhuộm hoàn tất của VINATEX và công nghệ Nano của KOVA, đồng thời cũng là một sáng tạo về kỹ thuật công nghệ cao do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA cho hay, Vải chống cháy VINATEX-KOVA sẵn sàng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu ứng dụng để sản xuất vải đáp ứng nhu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, cũng như tiện ích khi sử dụng.
Sản phẩm có thể dùng may quần áo bảo hộ lao động trong các ngành dầu khí, xăng dầu, điện, khai thác mỏ, hàng không, hóa chất...; phù hợp sử dụng cho những sản phẩm trong sinh hoạt đời sống hàng ngày như rèm cửa, bọc sofa, bàn để là quần áo, tạp dề nấu ăn, tủ vải quần áo, bạt che xe 2 bánh, 4 bánh, trùm phủ kiot...
Đầu tư chuỗi cung ứng
Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 96.281 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tính 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 456.153 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Hầu như doanh thu bán lẻ các nhóm ngành hàng đều tăng so với tháng trước, trong đó ngành có tỷ trọng cao như lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; xăng dầu các loại... Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động ăn uống và ngành lưu trú tăng cũng đáng kể so với những tháng trước.
Theo cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng nhóm ngành hàng này là do lượng khách đến Việt Nam đang tăng dần sau khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa cho du khách quốc tế từ giữa tháng 3/2022. Đặc biệt, sự kiện Đại hội SEA Games, số lượng các chuyến bay trong nước và quốc tế cũng như lượng suất ăn tăng lên, ngoài ra doanh thu từ những nhà hàng tiệc cưới tăng trở lại.
Mặt khác, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang đứng thứ 2 toàn Đông Nam Á và dự báo sẽ đạt khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, trong làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh mẽ thì đầu tư, ứng dụng công nghệ logistics được đánh giá là giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng trong thời gian tới.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế - J&T Express vừa chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm trung chuyển tại huyện Củ Chi và đặt dấu mốc mới cho 4 năm xây dựng và phát triển tại Việt Nam. Trung tâm trung chuyển mới của J&T Express, với diện tích gần 60.000 m2 và mỗi ngày có thể xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ vào hầu hết khâu, quy trình tiếp nhận hàng hóa, nhập dữ liệu thông tin và giao hàng đều được xử lý nhanh gọn, và tự động theo quy chuẩn Smart Logistics (hậu cần thông minh).
Song song đó, J&T Express cũng tiên phong triển khai đa dạng loại hình dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu những khách hàng khác nhau, tiêu biểu như dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn J&T Express; chuyển phát nhanh J&T Fast; giao hàng J&T Super giao hàng tươi sống J&T Fresh; giao hàng quốc tế J&T International...
Chia sẻ về cột mốc đưa vào hoạt động trung tâm trung chuyển mới với quy mô lớn tại huyện Củ Chi, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express cho rằng, J&T Express định hướng trở thành thương hiệu chuyển phát nhanh uy tín và bền vững, hỗ trợ người kinh doanh trực tuyến nói riêng và phục vụ khách hàng tại Việt Nam nói chung.
Sự phát triển của thị trường thương mại điện tử trong thời gian gần đây và nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng Việt đã kéo theo cuộc đua nội lực của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cả chuyển phát nhanh.
Tính đến quý 1/2022, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Theo một số chuyên gia, với bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trên thương mại điện tử, thì không chỉ đòi hỏi cạnh tranh giá, mà là cuộc chiến xây dựng hệ thống và tư duy kinh doanh bền vững. Trong đó, doanh nghiệp không chỉ cần nắm bắt nhu cầu trải nghiệm người tiêu dùng về giá, chính sách... mà còn phải đáp ứng yêu cầu tối ưu về tiện ích, giao nhận.../.