Đẩy mạnh hợp tác, liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc

Việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp phía Bắc vẫn đối mặt với một số thách thức về vấn đề cạnh tranh; doanh nghiệp khó có tiếng nói chung khi có quy mô và năng lực sản xuất khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Ngày 2/10, tại tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác-Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XV năm 2024 với chủ đề "Chung sức, đồng lòng - hợp tác hướng tới kỷ nguyên mới," với sự tham dự của đông đảo hiệp hội, doanh nghiệp tỉnh đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết Diễn đàn Hợp tác-Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc là hoạt động thường niên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì tổ chức nhằm gắn kết các Hiệp hội thành viên và doanh nghiệp hội viên trong sản xuất kinh doanh, xúc tiến đầu tư; đồng thời là kênh kết nối với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong khu vực để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Hồng; kinh nghiệm nâng cao công tác bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho hội viên; doanh nghiệp nhỏ và vừa trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hợp tác, liên kết để phát triển bền vững; vai trò của hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sự phát triển kinh tế-xã hội...

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thanh Hà, những năm qua, vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông với nhiều tuyến đường quốc lộ, cao tốc được hình thành. Đây là điều kiện thuận lợi để kết nối các doanh nghiệp trong vùng liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiện, việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong vùng vẫn đối mặt với một số thách thức. Một số doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực có thể không sẵn sàng liên kết do lo ngại về vấn đề cạnh tranh; doanh nghiệp có quy mô và năng lực sản xuất khác nhau, gây khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung.

Do vậy, thời gian tới, các Hiệp hội, doanh nghiệp trong vùng cần chủ động xây dựng các mạng lưới liên kết, tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong khu vực có thể gặp gỡ, trao đổi và hợp tác.

Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp liên vùng; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tiếp cận với những cơ hội hợp tác và phát triển mới.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao công tác bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các hội viên, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang Trần Anh Tuấn chia sẻ những năm gần đây, Bắc Giang đã và đang trở thành một trung tâm công nghiệp mới, một cực tăng trưởng ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở trong top đầu cả nước.

Số doanh nghiệp trong tỉnh tăng nhanh, hiện tại là hơn 18.000 đơn vị với số vốn đăng ký khoảng 140.000 tỷ đồng.

ttxvn_dien_dan_hop_tac_lien_ket_va_phat_trien_doanh_nghiep_khu_vuc_phia_bac2_resize.jpg
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Theo ông Trần Anh Tuấn, cùng với sự phát triển nhanh của cộng đồng doanh nghiệp, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đã có bước trưởng thành nhanh và bền vững.

Để trở thành "cầu nối" vững chắc giữa cộng đồng doanh nghiệp tỉnh với cấp ủy chính quyền, thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hội viên, để đây thực sự là "mái nhà chung" của doanh nghiệp.

Ông Tuấn Anh chia sẻ thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã xây dựng các kênh thông tin, nhằm nắm bắt nhanh những khó khăn vướng mắc, những đề xuất kiến nghị của các hội viên. Việc nhận và xử lý đơn kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện hết sức nhanh gọn, bài bản khẩn trương.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hiệp hội đã tổng hợp gần 300 kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp, gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết.

Định kỳ, Hiệp hội tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức 6 cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhằm giải quyết ngay những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp về: tiếp cận tín dụng, thiếu đất đắp nền, bảng giá nguyên vật liệu cao, thiếu điện sản xuất, khó khăn giải phóng mặt bằng, bất ổn an ninh trật tự, khó khăn thực hiện thủ tục phòng cháy chữa cháy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục