Chính trường Đức đứng trước tương lai bất định

Năm tháng sau khi bà Angela Merkel rút lui khỏi vị trí chủ tịch CDU, quá trình chuyển giao cho người được bà lựa chọn làm người kế nhiệm chức Thủ tướng Đức đang trong tình trạng không chắc chắn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thư ký CDU Annegret Kramp-Karrenbauer tại đại hội của đảng CDU ở Hamburg, Đức, ngày 7/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thư ký CDU Annegret Kramp-Karrenbauer tại đại hội của đảng CDU ở Hamburg, Đức, ngày 7/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhận xét về bà Annegret Kramp-Karrenbauer, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) từ tháng 12/2018, hãng tin Bloomberg của Mỹ cho rằng nữ lãnh đạo mới của CDU đang chật vật xử lý các vấn đề nội bộ, và điều này có thể khiến chính trường Đức bước vào một giai đoạn bất định khi Thủ tướng Angela Merkel chính thức rút lui vào năm 2021.

Năm tháng sau khi bà Angela Merkel rút lui khỏi vị trí chủ tịch CDU, quá trình chuyển giao cho người được bà lựa chọn làm người kế nhiệm chức Thủ tướng Đức đang trong tình trạng không chắc chắn, và cùng với đó là sự bấp bênh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

[Đức: Liên đảng CDU-CSU trình bày chương trình bầu cử chung châu Âu]

Theo ba nguồn thạo tin trong nội bộ đảng, tỷ lệ ủng hộ CDU chỉ đạt dưới 30% trong khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần (dự kiến diễn ra ngày 26/5). Do đó, Annegret Kramp-Karrenbauer, người được bà Merkel bảo trợ, đang khá vất vả trong việc đảm nhiệm vai trò chủ tịch đảng.

Những bước khởi đầu chập chững với nhóm thiên hữu trong đảng, sự sắp xếp gây tranh cãi trong chiến dịch tranh cử và việc lên kế hoạch cho cuộc họp lãnh đạo đảng vào đầu tháng 6 đã hé lộ những căng thẳng trong nội bộ đảng và gây ra một loạt đồn đoán - bao gồm cả việc bà Merkel từ chức.

Mặc dù, Thủ tướng Merkel nhanh chóng bác bỏ đồn đoán này nhưng khả năng giai đoạn bất định trong chính trường Đức tiếp tục kéo dài vẫn tăng lên. Kinh tế Đức đã ngấp nghé suy thoái hồi cuối năm 2018 và việc thiếu định hướng từ bên trên có thể làm mất niềm tin khi mà Đức bắt đầu quá trình phục hồi.

Cuối năm 2018, bà Merkel làm rung chuyển chính trường Đức khi rút lui khỏi ghế lãnh đạo đảng - và dường như đã giành được thắng lợi sau khi bà Kramp-Karrenbauer đánh bại một đối thủ có xu hướng bảo thủ là ông Friedrich Merz.

Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực hoàn toàn suôn sẻ đã không diễn ra khi thủ tướng đương nhiệm chứng kiến quyền lực của mình giảm sút đáng kể trong khi người kế vị bà phải vật lộn để giành sự ủng hộ. Sự bế tắc này tiềm ẩn những cái bẫy cho bà Kramp-Karrenbauer.

Việc chờ đợi trong một giai đoạn dài để đảm nhiệm cương vị thủ tướng có thể tác động tiêu cực đến hình ảnh của Kramp-Karrenbauer với tư cách là một lực lượng chính trị mới.

Với bà Merkel, người đã mất quyền kiểm soát trực tiếp trong đảng cũng như với các nhà lập pháp của đảng trong chính phủ, điều này có nghĩa là "buổi hoàng hôn dài" cho nhiệm kỳ thủ tướng của bà trong năm thứ 14. Trước quyết định gây sốc hồi tháng 10/2018, bà Merkel đã yêu cầu vai trò lãnh đạo CDU và chức thủ tướng phải luôn song hành để bảo đảm sự ổn định. Song, bà buộc phải nhượng bộ trước nguyên tắc này sau khi áp lực ngày càng gia tăng sau một loạt thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương.

Chỉ dấu cho thấy sự chia rẽ quyền lực là một cuộc míttinh chính trị ngày 27/4 tại thành phố Münster ở phía Tây nước Đức với sự tham gia của bà Kramp-Karrenbauer cùng một loạt lãnh đạo của cả CDU và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) - đảng “chị em” ở bang Bayern, vốn là cái gai đối với bà Merkel kể từ cuộc khủng hoảng người tỵ nạn. Bà Merkel vắng mặt trong hoạt động này, giữ đúng lời cam kết không tham gia các chiến dịch vận động.

Theo một quan chức thân cận với bà Merkel, việc bà giữ khoảng cách không đồng nghĩa với sự lạnh nhạt. Nhưng người ta có thể cảm nhận được sự vắng mặt này. Ngay cả trong "buổi hoàng hôn" của sự nghiệp chính trị, bà Merkel vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ 55%, theo một cuộc khảo sát hàng tháng do Infratest tiến hành, trong đó bà Kramp-Karrenbauer chỉ nhận được 36%.

Bà Merkel vẫn tiếp tục nhận được giấy mời dự các sự kiện của đảng. Tuy nhiên, vẫn chưa có lựa chọn thay thế rõ ràng cho tình thế hiện tại - dù là một cuộc bầu cử sớm hay chính phủ do bà Kramp-Karrenbauer lãnh đạo. Phe thiên tả trong đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác trong liên minh cầm quyền hiện nay, phản đối mạnh mẽ việc hợp tác với bà Merkel và tiếp tục coi đây là gánh nặng đối với SPD.

Những lời kêu gọi rời bỏ chính phủ có thể sống dậy nếu SPD có kết quả tồi tệ trong cuộc bầu cử châu Âu hoặc tại cuộc bầu cử địa phương ở thành phố cảng Bremen - nơi mà SPD nắm quyền lãnh đạo kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới II đến nay. Cả hai cuộc bầu cử đều diễn ra ngày 26/5.

Mặt khác, SPD cũng không có nhiều lợi ích trong việc tổ chức bầu cử sớm, điều sẽ dẫn đến khả năng đảng này mất thêm phiếu vào tay đảng Xanh. Lãnh đạo đảng SPD cũng nhiều khả năng sẽ không ủng hộ chính phủ do bà Kramp-Karrenbauer đứng đầu, vì điều này sẽ mang lại lợi thế cho Kramp-Karrenbauer - đối thủ tiềm năng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Các lựa chọn khác là nỗ lực thành lập liên minh mới với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), hoặc thậm chí là chính phủ thiểu số do CDU lãnh đạo. Đảng Xanh, vốn đang có tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò, sẽ tránh việc tham gia liên minh. Còn kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ chỉ để giữ chỗ cho cuộc bầu cử mới.

Thời gian cũng là vấn đề. Đức sẽ giữ ghế chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu vào tháng 7/2020. Để bảo đảm chắc chắn ghế thủ tướng và giúp cho nhiệm kỳ 6 tháng của Đức thành công, bất kỳ thay đổi lớn nào cũng cần diễn ra trước đó. Với những rủi ro và câu hỏi để ngỏ, bà Merkel vẫn còn triển vọng hoàn thành nốt nhiệm kỳ của mình, cho dù không còn mạnh mẽ như trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục