Đức: Liên đảng CDU-CSU trình bày chương trình bầu cử chung châu Âu

Chủ tịch đảng CDU Annegret Kramp-Karrenbauer và người đồng cấp bên phía đảng CSU Markus Soeder đã trình bày khái niệm chung đầu tiên về sự phát triển tương lai của châu Âu.
Đức: Liên đảng CDU-CSU trình bày chương trình bầu cử chung châu Âu ảnh 1Chủ tịch đảng CDU Annegret Kramp-Karrenbauer

Ngày 26/3, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng chị em Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã trình bày chương trình bầu cử chung châu Âu đầu tiên của mình, phác thảo tầm nhìn của hai đảng về tương lai của Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch đảng CDU Annegret Kramp-Karrenbauer và người đồng cấp bên phía đảng CSU Markus Soeder đã trình bày khái niệm chung đầu tiên về sự phát triển tương lai của châu Âu.

Chương trình bao gồm kế hoạch thành lập một lực lượng quân đội châu Âu vào năm 2030, tăng cường chính sách đối ngoại châu Âu, quốc phòng và an ninh cũng như hoạt động của Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex).

Cụ thể, cơ quan này sẽ nhận thêm 10.000 nhân viên mới nếu chương trình này được triển khai. Bên cạnh đó, liên đảng CDU/CSU cũng đề xuất thành lập một hệ thống dữ liệu thống nhất và tập trung trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU.

Điều này nhằm mục đích tạo ra một châu Âu an toàn hơn, giúp ngăn chặn các tổ chức tội phạm và khủng bố. Ngoài ra, các đảng cũng đề xuất tạo một dữ liệu chung về những phần tử khủng bố tiềm năng.

[Đức: Tân Chủ tịch CSU cam kết tăng cường hợp tác với CDU]

Trong phát biểu của mình, lãnh đạo hai đảng CDU và CSU đều bày tỏ mong muốn châu Âu là một liên minh an ninh. Điều này đồng nghĩa với việc an ninh của Đức sẽ được chú trọng và đảm bảo hơn.

Cũng trong chương trình bầu cử chung châu Âu này, các đảng CDU và CSU cũng đề xuất các biện pháp thắt chặt kiểm soát người nhập cư, yêu cầu đưa ra các tiêu chuẩn chung thống nhất cho thủ tục xin tị nạn cũng như loại trừ khả năng xin tị nạn ở một số nước thành viên EU.

Chẳng hạn, CDU và CSU đều muốn xây dựng các trung tâm trung chuyển châu Âu, nơi có thể kiểm tra những người tị nạn mới tới và quyết định họ có được phép ở lại hay không.

Trong trường hợp đơn xin tị nạn bị từ chối thì người xin tị nạn có thể bị trục xuất trực tiếp từ các trung tâm này.

Trước đó trong năm 2018, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đã thúc đẩy ý tưởng thành lập quân đội chung châu Âu.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng như Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg.

Trong khi đó, hôm 22/1 vừa qua, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác song phương mới nhằm tăng cường chính sách đối ngoại hai nước, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa và khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục