Ngày 9/12, tân Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer đã lên kế hoạch nhằm thay đổi các chính sách di cư của đảng trước cuộc bầu cử châu Âu vào năm 2019.
Động thái này được xem là dấu hiệu cho thấy bà Annegret Kramp-Karrenbauer có thể "phá vỡ" cách tiếp cận tự do của người tiền nhiệm đi trước Angela Merkel.
Theo phóng viên TTVXN thường trú tại Berlin, trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Bild am Sonntag, tân Chủ tịch CDU Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết bà muốn triệu tập một cuộc hội thảo về vấn đề di cư và an ninh với các chuyên gia cũng như với các nhà phê bình chính sách người tị nạn và di cư hiện nay để có thể tìm ra giải pháp cụ thể để cải thiện vấn đề này.
Bà Annegret Kramp-Karrenbauer cũng nhấn mạnh chương trình cho cuộc bầu cử châu Âu tới đây "sẽ được xây dựng dựa trên những kết quả có được từ cuộc hội thảo này."
[Chủ tịch CDU Kramp-Karrenbauer - tiếp nối để vượt qua khủng hoảng]
Chiều 7/12, các đại biểu tham dự Đại hội đảng CDU đã nhất trí bầu bà Annegret Kramp-Karrenbauer giữ chức Chủ tịch đảng CDU thay thế bà Angela Merkel.
Đây cũng được coi là tiền đề quan trọng giúp tân Chủ tịch CDU Kramp-Karrenbauer trở thành ứng cử viên sáng giá tiếp tục thay thế bà Angela Merkel khi bà hết nhiệm kỳ Thủ tướng Đức vào năm 2021.
Tuy nhiên, chiến thắng sát nút của bà Annegret Kramp-Karrenbauer trước ông Friedrich Merz, đại diện cho lực lượng "bảo thủ" trong CDU đã cho thấy một sự chia rẽ trong nội bộ đảng lớn nhất của Đức và nhiệm vụ trước mắt hiện nay của tân Chủ tịch CDU là cần phải xóa bỏ sự chia rẽ này trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2019, trong đó có cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2019.
Hiện chính sách di cư đang là một trong những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc nhất trong nội bộ đảng CDU. Bên cạnh đó, trong các cuộc bầu cử khu vực vào năm 2019 tới đây, bà Annegret Kramp-Karrenbauer cũng cần giành lại niềm tin và sự ủng hộ của các cử tri, những người trước đó đã chuyển hướng sang ủng hộ đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối bài ngoại vì lo ngại trước sự hội nhập của người di cư.
Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu Emnid tiến hành công bố ngày 9/12, tỉ lệ ủng hộ đối với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel ở mức 29%, tăng 1% so với tuần trước đó song vẫn thấp hơn so với mức 32,9% mà liên đảng này nhận được trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 9/2017.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) tham gia liên minh với liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel ở mức 15%, giảm so với mức 20,5% mà đảng này nhận được trong cuộc bầu cử liên bang./.