Có một Cần Thơ về đêm lung linh giăng mắc ánh đèn lồng đỏ, soi bóng xuống mặt nước phù sa lấp loáng. Có một bến Ninh Kiều là niềm tự hào, kiêu hãnh từ lâu đã đi vào bao áng thi ca. Có những cô gái miền Tây e ấp dưới vành nón lá, dịu dàng trong chiếc áo bà ba cùng chiếc khăn rằn hờ hững trên vai đã làm xiêu lòng bao du khách ghé chân nơi đây.
Và, từ đầu tháng 1/2010, chợ đêm Ninh Kiều đã góp mặt vào chuỗi dừng chân của du khách trong hành trình về với Tây Đô “gạo trắng nước trong.”
Ngọt ngào chợ đêm miền sông nước
Sau gần một tháng hoạt động thử nghiệm, “Phố đi bộ, ẩm thực, chợ đêm Ninh Kiều” (giai đoạn 1) vừa chính thức khai trương đã góp phần tạo nên diện mạo và sắc thái mới cho khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ về đêm.
Ủy ban nhân dân thành phố kỳ vọng dự án này sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động đồng thời thu hút thêm khoảng 20% lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Cần Thơ mỗi năm.
Chợ đêm bên bến Ninh Kiều mở cửa từ 4 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, phần lớn các hộ kinh doanh ở đây đều dọn hàng trước 12 giờ đêm.
Giống chợ đêm phố cổ Hà Nội hay chợ đêm Dinh Cậu ở đảo Ngọc (Phú Quốc)… chợ đêm Ninh Kiều cũng có khu vực ẩm thực nằm trong khuôn viên công viên Bến Ninh Kiều (gần Chợ Nhà Lồng cổ Cần Thơ và phố đi bộ), khu vực mua sắm nằm ở các đoạn đường liền kề bến Ninh Kiều (một phần đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Võ Văn Tần).
Nhưng không giống như các chợ đêm khác, chợ đêm Ninh Kiều mang nét đặc trưng của miền sông nước khi soi bóng xuống dòng sông Hậu. Ngồi ăn tại khu ẩm thực bên bến Ninh Kiều vừa thưởng thức các món ăn miền Tây, du khách vừa tha hồ chìm đắm trong những điệu nhặt điệu khoan da diết của đờn ca tài tử vọng tới từ nhà hàng du thuyền chạy dọc bến sông. Dừng chân ở các gian hàng hoa quả, du khách dễ dàng bị "hớp hồn" bởi đủ loại trái cây đặc sản như bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc...
Chợ hoa với nhiều chủng loại chạy dọc một đoạn đường nối tiếp phố đi bộ cũng thu hút rất đông người dân địa phương và du khách. Nhất là thời điểm gần Tết vừa qua, ai cũng muốn chọn cho gia đình một chậu mai vàng đẹp cả thế lẫn bông.
Tiểu thương ở đây vẫn giữ được bản tính nồng hậu, khoáng đạt của người miền Tây trong buôn bán với thái độ phục vụ dễ chịu. Đặc biệt người bán hầu như không nói “thách”, nói bao nhiêu bán bấy nhiêu.
Đêm xuống, bến phà xóm chài trả lại cho mặt nước sự yên tĩnh, khoan thai. Bởi, ban ngày người ta đi xuồng y như đi xe dù vậy, cũng bắt khách, lạng lách và lao đi vù vù. Giao thông sông nước miền Tây đông vui, tấp nập không kém giao thông đường bộ.
Nhìn tổng thể, thiện cảm lớn dành cho du lịch chợ đêm Ninh Kiều là không có hàng rong với cảnh đeo bám khách dai dẳng giống ở một vài thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Thiện cảm với những bé em đi bán vé số, như bé Kim học sinh lớp 4 trường Trần Quốc Toản.
Hàng ngày, cứ hết giờ học về nhà ăn cơm xong là Kim mặc nguyên đồng phục học sinh đi bộ mấy cây số từ đường Tầm Du tới bến Ninh Kiều bán vé số. “Em thường đi bán từ 6 giờ chiều đến 1 giờ sáng mới về. Sau đó mới được học bài,” Kim nói.
Hầu hết những người làm công việc như bé Kim mà tôi gặp ở Cần Thơ đều tỏ ra dễ mến và lịch sự, không kỳ kèo và biết nói “cảm ơn” những người mua.
Nhạt nhòa cá tính
Từ khi đi vào hoạt động, chợ đêm Ninh Kiều đã trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi, mua sắm và ăn uống ngoài trời chiếm được nhiều cảm tình của người dân địa phương cũng như du khách. Tuy nhiên, để tìm những nét riêng của chợ đêm này thì thật… khó.
Bởi, các loại quần áo, giày dép, túi xách… được bày bán chủ yếu có giá bình dân với xuất xứ không rõ ràng. Cũng như hầu hết các chợ đêm ở những tỉnh, thành phố khác, ở đây phần lớn bán hàng giảm giá với chất lượng thấp. Áo phông chỉ từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc, quần âu may sẵn đổ đồng 60.000 đồng - 75.000 đồng/chiếc, miễn mặc cả nhưng được đổi lại nếu không ưng ý…
Chị Bích Dung ở đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nhận xét: “Các sản phẩm bán ở đây tôi thấy cũng na ná như chợ đêm An Bình ở phường An Bình. Thực sự chưa có mấy khác biệt và đặc sắc.”
Nhiều người bán hàng còn rỉ tai tôi phải “cẩn thận, một số thanh niên xấu ở đây đã biết trà trộn vào chỗ đông người để móc túi, trộm tiền bạc, điện thoại rồi đấy.”
Lại nữa, trong khu vực chợ đêm, chợ hoa Tết và tuyến phố đi bộ người dân vẫn thản nhiên đi xe gắn máy thậm chí cả ôtô cũng hồn nhiên lượn lờ gây mất trật tự an toàn giao thông đối với những người tham quan, mua bán.
Trong khi đó, khu ẩm thực được kỳ vọng là nơi sẽ đậm hương vị miền Tây nhất thì vẫn chưa làm hài lòng thực khách vì thiếu nhiều món ăn dân dã của thành phố Cần Thơ và miền sông nước Cửu Long. "Gia vị nêm" xem ra vẫn nhạt nhoà, thiếu các món ăn đặc trưng như chuột đồng, đuông nướng, bún mắm...
Chợ đêm Ninh Kiều ngọt ngào nhờ cảnh sắc và tính cách thật thà, giản dị của những người dân miền sông nước nhưng lại quá thiếu những sản vật đặc trưng vùng miền. Giống như một cô gái Tây Đô đẹp nhưng kém duyên vì thiếu khăn rằn, áo bà ba và nón lá chao nghiêng... Có lẽ vì thế, với du khách đã từng đến đây mỗi lần nhắc đến chợ đêm Ninh Kiều thật khó có ấn tượng gì nhiều.../.
Và, từ đầu tháng 1/2010, chợ đêm Ninh Kiều đã góp mặt vào chuỗi dừng chân của du khách trong hành trình về với Tây Đô “gạo trắng nước trong.”
Ngọt ngào chợ đêm miền sông nước
Sau gần một tháng hoạt động thử nghiệm, “Phố đi bộ, ẩm thực, chợ đêm Ninh Kiều” (giai đoạn 1) vừa chính thức khai trương đã góp phần tạo nên diện mạo và sắc thái mới cho khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ về đêm.
Ủy ban nhân dân thành phố kỳ vọng dự án này sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động đồng thời thu hút thêm khoảng 20% lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Cần Thơ mỗi năm.
Chợ đêm bên bến Ninh Kiều mở cửa từ 4 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, phần lớn các hộ kinh doanh ở đây đều dọn hàng trước 12 giờ đêm.
Giống chợ đêm phố cổ Hà Nội hay chợ đêm Dinh Cậu ở đảo Ngọc (Phú Quốc)… chợ đêm Ninh Kiều cũng có khu vực ẩm thực nằm trong khuôn viên công viên Bến Ninh Kiều (gần Chợ Nhà Lồng cổ Cần Thơ và phố đi bộ), khu vực mua sắm nằm ở các đoạn đường liền kề bến Ninh Kiều (một phần đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Võ Văn Tần).
Nhưng không giống như các chợ đêm khác, chợ đêm Ninh Kiều mang nét đặc trưng của miền sông nước khi soi bóng xuống dòng sông Hậu. Ngồi ăn tại khu ẩm thực bên bến Ninh Kiều vừa thưởng thức các món ăn miền Tây, du khách vừa tha hồ chìm đắm trong những điệu nhặt điệu khoan da diết của đờn ca tài tử vọng tới từ nhà hàng du thuyền chạy dọc bến sông. Dừng chân ở các gian hàng hoa quả, du khách dễ dàng bị "hớp hồn" bởi đủ loại trái cây đặc sản như bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc...
Chợ hoa với nhiều chủng loại chạy dọc một đoạn đường nối tiếp phố đi bộ cũng thu hút rất đông người dân địa phương và du khách. Nhất là thời điểm gần Tết vừa qua, ai cũng muốn chọn cho gia đình một chậu mai vàng đẹp cả thế lẫn bông.
Tiểu thương ở đây vẫn giữ được bản tính nồng hậu, khoáng đạt của người miền Tây trong buôn bán với thái độ phục vụ dễ chịu. Đặc biệt người bán hầu như không nói “thách”, nói bao nhiêu bán bấy nhiêu.
Đêm xuống, bến phà xóm chài trả lại cho mặt nước sự yên tĩnh, khoan thai. Bởi, ban ngày người ta đi xuồng y như đi xe dù vậy, cũng bắt khách, lạng lách và lao đi vù vù. Giao thông sông nước miền Tây đông vui, tấp nập không kém giao thông đường bộ.
Nhìn tổng thể, thiện cảm lớn dành cho du lịch chợ đêm Ninh Kiều là không có hàng rong với cảnh đeo bám khách dai dẳng giống ở một vài thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Thiện cảm với những bé em đi bán vé số, như bé Kim học sinh lớp 4 trường Trần Quốc Toản.
Hàng ngày, cứ hết giờ học về nhà ăn cơm xong là Kim mặc nguyên đồng phục học sinh đi bộ mấy cây số từ đường Tầm Du tới bến Ninh Kiều bán vé số. “Em thường đi bán từ 6 giờ chiều đến 1 giờ sáng mới về. Sau đó mới được học bài,” Kim nói.
Hầu hết những người làm công việc như bé Kim mà tôi gặp ở Cần Thơ đều tỏ ra dễ mến và lịch sự, không kỳ kèo và biết nói “cảm ơn” những người mua.
Nhạt nhòa cá tính
Từ khi đi vào hoạt động, chợ đêm Ninh Kiều đã trở thành nơi sinh hoạt, vui chơi, mua sắm và ăn uống ngoài trời chiếm được nhiều cảm tình của người dân địa phương cũng như du khách. Tuy nhiên, để tìm những nét riêng của chợ đêm này thì thật… khó.
Bởi, các loại quần áo, giày dép, túi xách… được bày bán chủ yếu có giá bình dân với xuất xứ không rõ ràng. Cũng như hầu hết các chợ đêm ở những tỉnh, thành phố khác, ở đây phần lớn bán hàng giảm giá với chất lượng thấp. Áo phông chỉ từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc, quần âu may sẵn đổ đồng 60.000 đồng - 75.000 đồng/chiếc, miễn mặc cả nhưng được đổi lại nếu không ưng ý…
Chị Bích Dung ở đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nhận xét: “Các sản phẩm bán ở đây tôi thấy cũng na ná như chợ đêm An Bình ở phường An Bình. Thực sự chưa có mấy khác biệt và đặc sắc.”
Nhiều người bán hàng còn rỉ tai tôi phải “cẩn thận, một số thanh niên xấu ở đây đã biết trà trộn vào chỗ đông người để móc túi, trộm tiền bạc, điện thoại rồi đấy.”
Lại nữa, trong khu vực chợ đêm, chợ hoa Tết và tuyến phố đi bộ người dân vẫn thản nhiên đi xe gắn máy thậm chí cả ôtô cũng hồn nhiên lượn lờ gây mất trật tự an toàn giao thông đối với những người tham quan, mua bán.
Trong khi đó, khu ẩm thực được kỳ vọng là nơi sẽ đậm hương vị miền Tây nhất thì vẫn chưa làm hài lòng thực khách vì thiếu nhiều món ăn dân dã của thành phố Cần Thơ và miền sông nước Cửu Long. "Gia vị nêm" xem ra vẫn nhạt nhoà, thiếu các món ăn đặc trưng như chuột đồng, đuông nướng, bún mắm...
Chợ đêm Ninh Kiều ngọt ngào nhờ cảnh sắc và tính cách thật thà, giản dị của những người dân miền sông nước nhưng lại quá thiếu những sản vật đặc trưng vùng miền. Giống như một cô gái Tây Đô đẹp nhưng kém duyên vì thiếu khăn rằn, áo bà ba và nón lá chao nghiêng... Có lẽ vì thế, với du khách đã từng đến đây mỗi lần nhắc đến chợ đêm Ninh Kiều thật khó có ấn tượng gì nhiều.../.
Mai Anh (Vietnam+)