Chợ nổi Ngã Năm - Điểm du lịch đặc sắc đang mai một dần

Chợ nổi Ngã Năm là một trong những nét đặc trưng văn hóa sông nước của người dân miền Tây Nam Bộ, nhưng đang dần thưa thớt và có nguy cơ mai một.

Chợ nổi Ngã Năm nhìn từ góc độ trên cao. (Ảnh: TTXVN phát)
Chợ nổi Ngã Năm nhìn từ góc độ trên cao. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại Sóc Trăng, Chợ nổi Ngã Năm là một trong những nét đặc trưng văn hóa sông nước của người dân miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, do quá trình phát triển giao thông, người dân “thương hồ” (mua bán trên sông) di chuyển lên đường bộ nên chợ nổi dần thưa thớt và có nguy cơ mai một.

Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy du lịch Chợ nổi Ngã Năm, xem đây là một trong mười điểm du lịch nổi bật của tỉnh.

Nguy cơ mai một

Gắn bó với chợ nổi gần 20 năm, anh Nguyễn Văn Út, tiểu thương tại Chợ nổi Ngã Năm cho biết, hơn 5 năm trước, chợ khá nhộn nhịp, với trên 200 thuyền, ghe trao đổi, mua bán trên sông, chủ yếu các mặt hàng nông sản, dịch vụ ăn uống, giải khát... Chợ nổi còn là đầu mối từ Ngã Năm (Sóc Trăng) đi các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu. Hiện nay, do đường bộ phát triển, tiểu thương dần chuyển sang giao thương hàng hóa bằng đường bộ nên chợ nổi ngày càng vắng và thưa thớt.

Anh Võ Quốc Hải (Phường 1, thị xã Ngã Năm) chia sẻ, Chợ nổi Ngã Năm được xem là nơi thể hiện rõ đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Thời gian qua, do sự phát triển của xã hội dẫn đến chợ ngày càng thưa thớt. Người dân ở Ngã Năm mong muốn các cấp, ngành có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy chợ nổi nhằm giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây nói chung và người dân Ngã Năm nói riêng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm, Bành Phước An cho hay, thị xã nằm ở phía Tây tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm tỉnh 60km; có 2 tuyến quốc lộ đi ngang là Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp-Cà Mau và Quốc lộ 61B nối liền với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu.

Đặc biệt, thị xã nằm tại nơi giao nhau của 5 tuyến giao thông đường thủy quan trọng kết nối với tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị thuộc (tỉnh Sóc Trăng) tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Chợ nổi Ngã Năm được hình thành từ thế kỷ 19, nơi hội tụ của năm con sông tạo thành năm nhánh sông chảy về năm hướng. Ngoài nét văn hóa “thương hồ” đặc sắc, chợ có vai trò hết sức quan trọng trong việc trung chuyển nông sản từ các thành phố lớn khu vực Nam Bộ đến với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý, Chợ nổi Ngã Năm là loại hình chợ đặc biệt ở Việt Nam, xuất hiện tại vùng sông nước, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe, thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển.

Chợ nổi không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, mà còn là nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước, trở thành đặc sản du lịch, niềm tự hào của vùng đất con người Ngã Năm nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và kế hoạch triển khai Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định du lịch văn hóa thương hồ Chợ nổi Ngã Năm là một trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh.

Tuy nhiên, trước sự phát triển hạ tầng, giao thương hàng hóa bằng đường bộ đã dần thay thế giao thương đường sông. Bên cạnh đó, COVID-19 cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoạt động của chợ nổi làm cho nhu cầu mua bán theo kiểu sông nước giảm dần, số lượng ghe, thuyền buôn bán trên sông giảm đáng kể.

Bảo tồn và phát huy

Theo Tiến sỹ Lê Cao Thanh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược (Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh), giá trị của Chợ nổi Ngã Năm không chỉ là nơi giao thương hàng hóa của tỉnh với các địa phương trong vùng mà còn mang giá trị văn hóa lịch sử, có thể phát huy, phát triển thành sản phẩm du lịch riêng biệt, mang lại sự phồn thịnh cho địa phương.

Chợ nổi Ngã Năm hiện nay cần có những giải pháp bảo tồn những nét văn hóa còn lại và phục dựng những nét văn hóa xưa. Do đó, địa phương cần khẩn trương xây dựng quy hoạch, có kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa Chợ nổi Ngã Năm, thực hiện các quy hoạch, chỉnh trang khu chợ bên sông, lấy cảnh quan nông nghiệp và nhà vườn làm điểm nhấn, xây dựng cảng hàng hóa, bãi trung chuyển hàng hóa... Địa phương cũng cần phục dựng lại phong cách thương hồ xưa, khuyến khích bán những món ăn truyền thống trên sông nước.

ttxvn-cho-noi-nga-nam-31-2-4318.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Bà Lương Thị Huỳnh, Phó Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho biết, Chợ nổi Ngã Năm hiện nay nếu được bảo tồn, phát huy và giữ nét đặc trưng của chợ nổi miền Tây thì việc kết nối tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh đến với chợ nổi chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong, thị xã kiến nghị ngành chức năng công nhận Chợ nổi Ngã Năm là điểm du lịch cấp tỉnh; đẩy mạnh truyền thông giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc trưng; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tạo điểm nhấn thu hút khách đến tham quan như: nhà hàng nổi trên sông, nhà vườn phục vụ ẩm thực kết hợp với trải nghiệm đặc sản địa phương...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc xác định, địa phương coi du lịch là một trong những ngành quan trọng đóng góp sự phát triển kinh tế và hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, cũng là một trong những khâu đột phá để tỉnh phát kinh tế trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sông nước miệt vườn khu vực ven sông Hậu và phát triển du lịch Chợ nổi Ngã Năm.

Tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy du lịch Chợ nổi Ngã Năm để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đặc biệt, Sở tham vấn ý kiến chuyên gia, phối hợp với thị xã Ngã Năm để xây dựng hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy du lịch Chợ nổi Ngã Năm thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục