Nên hay không?

Cho trẻ tiền tiêu vặt hàng ngày: Nên hay không?

Nhiều bố mẹ rất băn khoăn không biết có nên cho con tiền tiêu vặt. Câu trả lời của các chuyên gia cũng theo kiểu "mỗi người một ý."
Sẩm tối, chị Thanh Vân, Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa tất bật chở bé Minh học lớp một về tới nhà, chưa kịp bước chân vào cửa, chị  đã nhận được cú điện thoại gọi liên hồi. Đầu dây bên kia, cô giáo cho biết, hôm nay các bạn vừa mách cu Minh mang sữa tươi ra hàng đổi kẹo bông. Cô hỏi lý do bé nói vì thèm kẹo bông đầu cổng trường mà mẹ lại không cho tiền nên mang quà chiều ra đổi.

Con không làm chuyện xấu

Hốt hoảng trước hành động của con, chị vội gọi con vào hỏi cho ra chuyện. Cu Minh không hiểu làm sai điều gì mà mẹ quát gay gắt nên òa khóc nức nở.

Bà nội từ trong nhà chạy vội ra ôm cháu, cu Minh liền thổn thức nói: “Cô phát quà chiều bằng sữa tươi, con không thích uống, đổi lấy kẹo bông, thế mà mẹ cũng mắng.”

Nghe vậy, bà nội cũng tròn mắt, không hiểu sao thằng cháu vốn ngoan ngoãn, nhút nhát mà lại có những hành động như vậy. Tuy nhiên khi nghe cu Minh giải thích: “Ở trường bạn Hà Anh có tiền tiêu vặt nên ngày nào cũng mua quà, đồ chơi trước cổng trường cho con và các bạn. Con không có tiền thì cô bán hàng nói đổi quà cũng được”, bà mới vỡ lẽ.

Tình trạng các con học cấp I đã biết tiêu tiền và đổi quà đã diễn ra ở một số trường học tại Hà Nội.

Bé Trần Minh Anh, học sinh lớp bốn tại một trường tiểu học thuộc quận Long Biên cho biết, ở lớp cũng có mấy bạn bố mẹ thường cho tiền tiêu để ăn sáng và mua thức chiều cho những hôm phải đi học thêm. Các bạn ấy thường mua quà vặt và đồ chơi, mấy bạn không có tiền thì đổi bằng quà chiều. Nhưng từ khi nhà trường cấm, chỉ còn ít bạn vẫn giấu cô giáo đổi quà.

Minh Anh cũng được bố mẹ cho tiêu tiền, nhưng hình thức có khác một chút so với các bạn. Mỗi khi được điểm 10 mẹ thưởng cho một khoản tiền ghi sổ có giá trị 10.000 đồng, tất cả các đồ dùng học tập và đồ chơi của Minh Anh đều được mua từ số tiền thưởng đó. Nếu chót làm mất đồ dùng học tập nhiều lần, Minh Anh sẽ phải ghi sổ nợ và đạt đủ số điểm 10 để bù vào.

Mẹ bé cho hay, lúc trước bé suốt ngày mất bút mực, mất tẩy, mất thước kẻ, màu vẽ vừa mua đã bẻ gãy, sách, truyện bé cũng vứt bừa bãi, không giữ gìn. Nhưng từ khi mẹ nghĩ ra kế được điểm 10 mới thưởng cho tiền chi tiêu, bé tuyệt nhiên không thấy mất đồ dùng học tập nữa.

“Kiếm điểm 10 cũng khó lắm, nhưng năm học lớp 3, cộng cả tiền mừng tuổi con có gần 1 triệu đồng. Đầu năm học, con được mẹ cho mua nhiều đồ dùng học tập rất đẹp, con thích lắm. Năm lớp 4 này con cũng được rất nhiều  điểm10, sang năm lên lớp 5 con sẽ mua một chiếc cặp siêu nhẹ và một đôi giày babi...,” Minh Anh hãnh diễn nói với ánh mắt long lanh.

Bất đồng quan điểm


Xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tiếp cận nhiều với những kênh thông tin như truyền hình, truyện tranh..., nhu cầu giao lưu xã hội và tập làm người lớn đang dần tác động đến tâm lý các con.

Chị Thúy ở Khâm Thiên, Hà Nội cho biết, con trai chị năm nay đã học lớp 5, mỗi khi các cô, chú trong nhà cho cháu tiền, chị đều giữ cho con. Biết mình đang có khoản tiền mẹ “vay” nên thi thoảng bé lại nhì nhèo đòi tiền của mình với lý do để con mua cái này, cái khác. Tuy nhiên, chị Thúy luôn tỏ ra nghiêm khắc với con trong việc này.

“Mọi thứ của con từ học hành đến ăn mặc mình đều lo cho nó cả rồi, còn đưa tiền cho bé làm gì nữa,” chị Thúy lý giải.

Không quá khắt khe với con song chị Nguyệt, Đê La Thành , Hà Nội cũng không yên tâm giao tiền cho con dù bé có kì kèo xin xỏ.

Chị Nguyệt kể rằng, con gái chị mới học lớp 4, thi thoảng cháu cũng thì thọt xin tiền mẹ với lý do mua quà sinh nhật cho bạn hay một vài thứ mình thích. Những lần như vậy, chị Nguyệt, nhẹ nhàng hỏi con xem món quà bé muốn mua cụ thể là gì. Chỉ khi đòi hỏi của con chính đáng, chị mới đưa bé đi mua.

Chị Vân cũng có suy nghĩ giống như những người mẹ trên, chị cho rằng hành động của cu Minh là không thể chấp nhận được. Vì vậy, chị đã giải thích tiêu tiền hay đổi quà như vậy là rất hư và cấm con từ giờ không được làm như vậy nữa.

Tuy nhiên mẹ chồng chị Vân lại có suy nghĩ khác, bà cho rằng chính những người mẹ quá nghiêm khắc đã khiến con bị kẻ xấu lợi dụng, như trường hợp những người bán quà ở ngoài cổng trường đã gạ gẫn đổi sữa lấy kẹo bông hay những đồ chơi gì đó. Bởi trẻ con thường bị cám dỗ và hay làm theo bạn bè, nên thay vì cấm hãy cho bé vài nghìn và hướng dẫn chúng chi tiêu hợp lý.

“Giáo dục con cái thích nghi với môi trường sống còn hơn là suốt ngày tìm mọi cách bao bọc chúng" là quan điểm của chị Nguyễn Hà Điệp. Theo chị Điệp, bố mẹ nên cho con một số tiền nhất định và phân tích một người lao động đã phải làm như thế nào mới có được số tiền đó và chia sẻ với con việc gì nên tiêu, việc gì không nên tiêu. Nhắc con không nên ăn quà vặt ở cổng trưởng vì thức ăn ở đó thường không đảm bảo vệ sinh, minh họa cho chúng bằng hình ảnh và các bài báo trên mạng, các bản tin truyền hình. Chính trẻ con sẽ tự cảnh báo và lan truyền nhau những vấn đề nguy hiểm mà tận mắt chúng đã được xem và đọc, như vậy còn hiệu quả hơn là cấm đoán.

“Bé Chi nhà mình rất chủ động và linh hoạt trong việc chi tiêu. Bởi có ít tiền nên cháu biết tiết kiệm, suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn những món đồ mình thích chứ không đòi mẹ mua linh tinh như trước. Trong buổi tập kịch ngày 8-3, có một bạn phải đóng vai đanh đá, con bé liền chạy ra căng tin mua một cái kẹo cao su, cho bạn vừa nhai kẹo vừa diễn, trông rất đạt. Là lớp trưởng, con bé đã rất tự hào và hãnh diện về phát kiến của mình, khi kể cho cả nhà nghe. Tôi muốn con gái tin tưởng và sẵn sàng trao đổi những tâm tư bí mật như với một người bạn,” chị Điệp nói.

Chuyên gia chưa nhất quán


Theo chuyên gia tâm lý Phương Nga, tư vấn viên của Tổng đài 1088, nếu cha mẹ đáp ứng tất cả các yêu cầu của con từ khi chúng còn nhỏ sẽ tạo thành thói quen không tốt cho trẻ.

Khi trẻ đòi tiền, người lớn cần hỏi rõ con sẽ dùng vào việc gì, số tiền bao nhiêu, mua đồ ở đâu, về sẽ sử dụng như thế nào? Ngay cả khi đồng ý với những đòi hỏi của bé cha mẹ cũng cần cho tiền con dưới các hình thức khác, ví như, người lớn có thể đi cùng rồi trả tiền cho trẻ.

Chuyên gia tâm lý này cũng cảnh báo rằng, nếu để trẻ nhỏ cầm và tiêu tiền sẽ khiến chúng bị ảnh hưởng giá trị của đồng tiền, lớn lên dễ hư hỏng. Việc cho tiền để áp ứng những yêu cầu của trẻ sẽ gây ra hậu quả khôn lường, hình thành cho chúng tính tự kiêu, thậm chí có thể tạo cho chúng tâm lý coi mình là trung tâm khi những yêu cầu của nó được thỏa mãn.

Khác với những ý kiến tư vấn trên, ông Đặng Trần Tính, Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý  giáo dục Hà Nội quả quyết, nên dạy cho bé cách chi tiêu tiền dần dần nhưng hãy bắt đầu từ lớp 2. Tuy nhiên ban đầu cho bé một số tiền ít thôi, hướng dẫn tỉ mỉ  và giải thích ý nghĩa của việc tiêu tiền, nhớ kiểm soát cách chi tiêu của con. Đây cũng là cách dạy chúng tìm hiểu làm quen với những vấn đề tự nhiên, xã hội.

“Nếu cấm tức là không dạy, trong khi đó con bạn vẫn biết trong lớp có bạn bè đang tiền tiêu và chứng kiến nhiều các mối giao tiếp liên quan tới tiền. Vì vậy cần phải dạy cho con bạn tỉ mỉ, chu đáo để chúng có thể tự chủ trong môi trường lớp học bé,” ông Đặng Trần Tính nói./.

Hạnh Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục