Chôn chất thải xuống biển Bình Thuận: Ngành tôm giống lo lắng

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận cho biết, nếu cấp phép việc nhận chìm chất thải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất tôm giống của Bình Thuận.
Chôn chất thải xuống biển Bình Thuận: Ngành tôm giống lo lắng ảnh 1(Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Liên quan đến việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 xin cấp phép nhận chìm hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển (khu vực gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận cho biết, nếu cấp phép việc nhận chìm chất thải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất tôm giống của Bình Thuận.

Hiệp hội tôm giống Bình Thuận cũng đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc xin cấp phép nhận chìm chất thải này. Theo văn bản của Hiệp hội tôm giống Bình Thuận, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 1 nằm ở giữa hai khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Vĩnh Tân và chỉ cách các đường ống lấy nước phục vụ sản xuất tôm giống không quá 1km.

Tuy nhiên, Hiệp hội tôm giống Bình Thuận không được thông báo việc xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nhận chìm bùn thải sau khi nạo vét. Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã nhập khẩu một lượng tôm bố mẹ rất lớn để phục vụ cho mùa vụ mới.

Hiệp hội tôm giống Bình Thuận kiến nghị, khi tổng hợp các ý kiến về thẩm định hồ sơ, Ủy ban Nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm đến ngành tôm giống và môi trường thủy sản quanh khu vực nạo vét và đổ thải; đồng thời thông báo diễn biến liên quan đến môi trường nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng như nuôi trồng thủy sản khác xung quanh nhà máy điện.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, mỗi năm Bình Thuận sản xuất khoảng 30 tỷ con tôm giống, cung cấp khoảng 35% tôm giống cho thị trường cả nước. Nếu cấp phép việc nhận chìm chất thải, chất lượng nguồn nước khu vực này sẽ thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất tôm giống của Bình Thuận.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, việc nhận chìm vật liệu có khối lượng lớn (1,5 triệu m3) xuống biển tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường biển rất lớn, nhất là Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 Khu bảo tồn biển của Việt Nam). Đồng thời, trong quá trình nạo vét và đổ thải có thể xảy ra các sự cố cháy nổ, tràn dầu, xà lan va đập gây chìm...

Trong khi đó, chủ dự án chỉ nêu một số biện pháp phòng ngừa là chưa đủ và cần bổ sung các giải pháp xử lý khi có sự cố, rủi ro xảy ra trong quá trình nạo vét, đổ thải. Ngoài ra, vị trí nhận chìm nằm trên tuyến vận tải ven biển sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của luồng, tuyến hàng hải ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận…

Khối lượng chất thải này được Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dụng phục vụ cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục