"Bí kíp" chống bão giá

Chống bão giá: Những "chiêu" mới của bà nội trợ

Trong thời buổi giá cả ngày càng đắt đỏ, nhiều bà nội trợ đã có những "chiêu" riêng để đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình.
Cơn bão giá ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của đại bộ phận các gia đình làm công ăn lương. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ đã có những “chiêu” riêng để chống lại bão giá, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Kiếm tiền thành phố, tiêu tiền ở quê

Chị Hương đang “tay xách nách mang” vừa xuống ôtô vừa gọi điện thoại cho người nhà ra chở đồ về. Trước đây, mỗi lần về quê chị đều tận dụng mua sắm vì ở quê giá “mềm” hơn trên thành phố nhiều. Nhưng từ khi có bão giá, chị luôn đều đặn về quê 2-3 lần/tháng.

Chị cho biết: “Chồng chị là con trưởng, trước đây chỉ dịp giỗ, tết vợ chồng chị mới về quê Hưng Yên nhưng gần đây chị về liên tục vì mỗi lần về như thế tiết kiệm được chi tiêu rất nhiều so với mua sắm ở thành phố.”

“Nếu như gà ta chưa thịt ở quê nuôi nhốt có giá 65.000 đồng/kg, gà nuôi thả đắt lắm cũng 75.000 đồng/kg thì ở Hà Nội phải 100.000-110.000 đồng/kg. Ở quê bố mẹ chồng chị có ao cá nên thích ăn là có ngay. Thêm nữa, về quê mua trứng thì còn gì bằng. Trứng gà vừa tươi, vừa ngon, ăn lại đảm bảo,” chị Hương kể.

Chị Hương hí hửng khoe: “Mỗi lần về chị mua 4, 5 con gà để ăn dần. Rau dưa ở quê cũng rẻ và ngon hơn nhiều. Nếu như có đợt cà chua trên này 14.000-15.000 đồng/ kg thì ở quê chỉ khoảng 5.000 đồng. Rau cải thì có khi chỉ 2.000 đồng/3 mớ. Mỗi lần về như vậy chị cũng tiết kiệm được 500.000-700.000 đồng. Hai lần về là đã tiết kiệm được cả triệu bạc rồi.”

Cũng như chị Hương, chị Tâm, ở Vĩnh Tuy cũng thường xuyên về “thăm” quê. Chị cho biết: “Quê chị ở Lai Cách, Hải Dương. Mỗi lượt đi chỉ mất khoảng 20.000 đồng. Chịu khó mỗi tuần về quê một lần chị lại tiết kiệm được một khoản kha khá vì giá thực phẩm, gia cầm ở quê rẻ hơn ở Hà Nội nhiều”.

“Hai vợ chồng đều là người làm công ăn lương. Đồng lương công chức eo hẹp nên đành kiếm tiền ở thành phố, về quê chi tiêu, mua sắm. Tuy hơi vất vả nhưng về nhiều các cụ lại quý. Hơn nữa, mua sắm ở quê lại ngon, bổ, rẻ,” chị Tâm nói.

Biết chị Tâm thường xuyên về quê nên nhiều chị em trong cơ quan thường gửi “ké” con gà, con vịt. Vì “giá vịt chưa thịt ở quê khoảng 30.000 đồng/kg, vịt đã thịt đắt cũng chỉ khoảng 50.000 đồng/kg mà ở đây, hôm trước chị hỏi đã lên tới 90.000 đồng/kg”, chị tâm sự.

“Cây nhà lá vườn”

Không chỉ “kiếm tiền thành phố, tiêu tiền nhà quê” mà nhiều chị em có xu hướng mua máy móc chế biến thực phẩm để vừa đảm bảo vệ sinh, vừa ngon lại vừa tiết kiệm.

Chị Ngọc, nhà ở Đội Cấn vừa mới “rinh” về chiếc máy làm sữa chua có giá gần 400.000 đồng. Chị cho biết: “Mình rất hài lòng với chiếc máy này. Sữa chua tự làm ăn rất ngon. Chỉ tốn khoảng 20.000 tiền nguyên liệu mình có thể làm ra 10 cốc sữa chua. Trong khi sữa chua Vinamilk ở ngoài 5.000 đồng/hộp thì mỗi lần làm như vậy mình có thể tiết kiệm được 30.000 đồng.”

Không chỉ có máy làm sữa chua mà các loại máy khác như máy làm sữa đậu nành, lò nướng bánh cũng được các bà nội trợ ưa chuộng.

Từ ngày có chiếc máy làm sữa đậu nành, chị Phương ở Thành Công rất chăm chỉ làm. “Đậu tương mua ngoài chợ chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Mỗi ngày chỉ tốn 4.000 đồng tiền đậu tương, cả nhà chị đã có đủ sữa uống trong một ngày. Sữa đậu nành tự làm thơm, ngon hơn hẳn ngoài hàng.”

Tranh thủ đi mua máy làm sữa đậu nành, chị Phương còn “tậu” ngay chiếc máy làm giá đỗ, rau mầm. Chị cho biết: “Có thể làm các loại hạt rau mầm, giá đỗ cùng một lúc. Cứ 4 giờ phun nước một lần. Bọn trẻ nhà chị rất thích và thường xuyên đòi giúp mẹ phun nước cho mầm. Chỉ sau khoảng 5 ngày đã có thành phẩm để ăn.”

Những chiếc máy làm sữa chua, sữa đậu nành và lò nướng bánh nhà chị thường xuyên hoạt động. Tuy vất vả hơn  nhưng lại tiết kiệm được một khoản kha khá. “Bọn trẻ hãnh diện khoe với các bạn mẹ tớ biết làm nhiều món ngon lắm. Thêm vào đó, thỉnh thoảng được chồng khen 'vợ anh khéo quá,' mình thấy rất vui," chị Phương tâm sự./.

Thanh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục