Chủ động ứng phó những tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội

Chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực kinh tế-xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định Việt Nam đã có chủ trương xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực kinh tế-xã hội ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 1/7, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Sáu, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các biện pháp của Chính phủ trong việc ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội do tình hình phức tạp trên Biển Đông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định Việt Nam đã có chủ trương xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi, không để tập trung quá nhiều vào một thị trường để hạn chế rủi ro.

Trong tình hình hiện nay, Chính phủ dự đoán khả năng thông thương ở khu vực biên giới với Trung Quốc có những hạn chế nhất định nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn.

Hiện Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn các đường tiểu ngạch, đó cũng là thuận lợi cho Việt Nam để đưa hàng hóa về đường chính ngạch. Việt Nam đã và đang thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài, tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa do người dân, doanh nghiệp làm ra, nhất là hàng nông sản.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có kế hoạch tìm kiếm thêm các đối tác, tiếp thị và đưa ra các giải pháp đồng bộ để tiêu thụ sản phẩm cũng như chỉ đạo nhân dân sản xuất gắn với bảo quản và tiêu thụ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, không phải vì có những biến động ở Biển Đông chúng ta mới nghĩ đến việc mở rộng thị trường.

Việt Nam đã thực hiện mở rộng thị trường, đa dạng hóa cả về xuất khẩu và nhập khẩu, tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định FDI; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong đó có các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, mở rộng thêm các thị trường khác như Nga, Trung Đông, châu Phi, đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Điển hình như mặt hàng vải thiều, những năm trước, 60-70% sản lượng được xuất sang Trung Quốc, phần còn lại tiêu thụ trong nước nhưng rất khó khăn. Một năm qua, bên cạnh việc xuất khẩu, vải thiều đã được tiêu thụ mạnh trong nước, đưa vào các tỉnh phía Nam và đến nay, 60% sản lượng đã được tiêu thụ trong nước với giá cao hơn giá xuất khẩu, đó là minh chứng quan trọng trong việc thực hiện chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Chính sự kiện Biển Đông là “cú hích” bắt buộc ta có những thay đổi nhanh hơn, để trong tình huống xấu nhất vẫn đối phó được - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.

Cũng liên quan đến mặt hàng vải thiều, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết thông tin về việc vải thiều Trung Quốc đi ngược về phía Việt Nam là không chính xác. Vải thiều Việt Nam vẫn đang xuất khẩu qua Trung Quốc.

Về tình hình trên Biển Đông, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Về chiến lược, Việt Nam không bất ngờ về sự việc này, tuy nhiên, hậu quả của nó là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý và báo cáo kịp thời những tình huống mới, phức tạp; tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để xem xét thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế; hỗ trợ, giúp đỡ người lao động, doanh nghiệp bị thiệt hại, làm tốt công tác an ninh, trật tự, dứt khoát không để tái diễn sự việc như vừa qua tại một số địa phương; triển khai các giải pháp chủ động, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Chính phủ trong việc chủ đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh đề nghị cho thành lập đặc khu kinh tế và xây nhà ở cho hàng nghìn công nhân nước ngoài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết thực chất dự án xin cơ chế đặc thù để tạo thuận lợi trong hoạt động của dự án. Cụ thể nhà đầu tư muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc thù đối với dự án, tập trung chủ yếu là về thủ tục hành chính để tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư.

Trong số nhiều nội dung đề nghị của Tập đoàn Formosa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết trong phạm vi thẩm quyền của mình, những nội dung vượt quá thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ xử lý.

Việc Formosa xin thành lập đặc khu, thực ra là xin cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế này theo kế hoạch của dự án, nhưng pháp luật Việt Nam không quy định các nội dung này nên Chính phủ đã không đồng ý với các đề xuất trên. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang tập trung giải quyết những đề nghị của Formosa căn cứ vào các quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, dự án Formosa là dự án kinh tế lớn, chủ đầu tư là người Đài Loan. Sau sự cố gây rối an ninh trật tự trong khu dự án vào tháng Năm vừa qua, đến nay, hầu hết các công nhân đã trở lại làm việc, đảm bảo tiến độ xây dựng của dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục