Chủ nghĩa khủng bố tại Indonesia thời đại dịch COVID-19

Đại dịch không ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố, nên cũng cần phải xem xét rằng có khả năng sự thảm khốc do đại dịch tạo ra đã khiến các lực lượng khủng bố hành động liều lĩnh hơn.
Chủ nghĩa khủng bố tại Indonesia thời đại dịch COVID-19 ảnh 1Cảnh sát áp giải các nghi can khủng bố tại Makassar, Indonesia, ngày 4/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) ngày 23/7, bất chấp cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19, cuộc săn lùng những kẻ khủng bố ở Indonesia vẫn tiếp tục được triển khai.

Ngày 11/7 vừa qua, các binh sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt (Koopsgabssus) đã tiêu diệt 2 kẻ khủng bố của nhóm Mujahideen Đông Indonesia (MIT) là Rukli và Ahmad Panjang ở Poso, miền Trung Sulawesi. Lực lượng Koopsgabssus trước đó đã tham gia vào cuộc đấu súng với một số thành viên của tổ chức khủng bố MIT ở Poso trên dãy núi Tokasa ở miền Trung Sulawesi.

Khu vực Poso từng là chiến trường của MIT chống lại các nhân viên an ninh, với những kẻ khủng bố ẩn náu tại những địa hình hiểm trở và khu rừng rậm.

Các hoạt động khủng bố và việc cảnh sát bắt giữ những kẻ tình nghi khủng bố trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn tại Indonesia.

Trong năm 2020, cảnh sát đã nỗ lực ngăn chặn các hành động khủng bố trên toàn lãnh thổ Indonesia, bắt giữ 228 nghi phạm. Những sự kiện gần đây bao gồm một vụ đánh bom liều chết hôm 28/3 tại cổng một nhà thờ ở Makassar, tỉnh Nam Sulawesi.

Cảnh sát địa phương xác nhận có 14 người, bao gồm cả những người đến thờ phụng và nhân viên an ninh của nhà thờ, bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố thứ 552 trong khoảng thời gian từ năm 2000-2021 ở Indonesia.

Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 31/3, khi một phụ nữ 25 tuổi chĩa súng hơi vào Trụ sở Cảnh sát Jakarta. Đối tượng đã bị bắn chết ngay lập tức. Các cuộc tấn công khủng bố ở Poso, Makassar và Jakarta đã xác nhận báo cáo của Cơ quan Chống Khủng bố Quốc gia (BNPT) rằng hoạt động khủng bố ở Indonesia không hề suy giảm bất chấp đại dịch COVID-19.

[Cảnh sát Indonesia bắt giữ 4 nghi can khủng bố ở tỉnh Tây Java]

Kể từ khi Abu Bakr al Baghdadi - thủ lĩnh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - tuyên bố về việc thành lập Vương quốc Hồi giáo hồi tháng 7/2014, đã có ít nhất 18 nhóm cực đoan ủng hộ IS ở Indonesia.

Trong số các nhóm này, có 4 nhóm thuộc nhóm takfiri, bao gồm tổ chức thánh chiến MIT lấy cảm hứng từ Hồi giáo Darul, gần đây đã bị phục kích ở Poso và mạng lưới Jamaah Ansharut Daulah (JAD), một chi nhánh quốc tế của IS đứng sau vụ tấn công nhà thờ hồi tháng 3/2021 ở Indonesia.

Các nhóm bạo lực chính trị như JAD và MIT là những nhóm điển hình nhất nếu nhìn vào các nhóm khủng bố ở Indonesia. Hệ tư tưởng takfiri được cả hai nhóm chấp nhận, vốn coi những người có quan điểm khác là “ngoại đạo,” sử dụng thuật ngữ “thánh chiến” (jihad) để giết người khác nhân danh Hồi giáo.

Khái niệm “thánh chiến” thường được coi là hệ tư tưởng cốt lõi được sử dụng làm nền tảng cho các phong trào khủng bố dưới chiêu bài Hồi giáo. Khái niệm "thánh chiến" mạnh đến mức nó có khả năng huy động những kẻ khủng bố riêng lẻ thực hiện các hành động khủng bố.

Việc diễn giải lại và khôi phục ý nghĩa thực sự của “thánh chiến” thường được coi là cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Gần đây, JAD đã khởi xướng việc tận dụng nhiều đối tượng là nữ giới hơn trong việc thực hiện các cuộc tấn công, một sự thay đổi trong cách tổ chức thực hiện vai trò giới.

Do đó, hiểu biết toàn diện về ý nghĩa của “thánh chiến”, bao gồm cả bản chất và lịch sử của nó, trở thành một phần quan trọng trong việc thực hành chính sách nhằm ngăn chặn sự lây lan chính trị của các phong trào thánh chiến và khủng bố.

Vì đại dịch không ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố, nên cũng cần phải xem xét rằng có khả năng sự thảm khốc do đại dịch tạo ra đã khiến các lực lượng khủng bố hành động liều lĩnh hơn.

Một số người trải qua những thử thách tai ương cần một lối thoát, điều này không may có thể được thực hiện bằng cách tìm đến tôn giáo, đôi khi với những cách giải thích cực đoan.

Những người quyết định tham gia mạng lưới khủng bố có thể bị thúc đẩy bởi sự thất vọng nặng nề mà họ đã trải qua. Những cái gọi là “yếu tố thúc đẩy” này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như môi trường gia đình kém hòa thuận, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và trình độ học vấn kém. Một đại dịch đã làm cho tất cả những điều này trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó, các yếu tố bên ngoài định hình động lực xã hội và làm giảm cơ hội có thể làm tăng khả năng tiếp xúc với học thuyết tư tưởng khủng bố thông qua mạng xã hội.

Chính phủ áp đặt các hạn chế về thể chất và xã hội và lời khuyên y tế buộc người dân ở nhà là những ví dụ điển hình cho những yếu tố đó. Hơn nữa, khủng bố có thể xảy ra bất kể tình huống và điều kiện nào, thể hiện qua kinh nghiệm của Indonesia trong đại dịch COVID-19.

Do đó, vẫn còn rất nhiều lý do và cách thức phát triển của chủ nghĩa khủng bố, như trường hợp của các tình huống hàng ngày trong quá khứ.

Tuy nhiên, các nhóm khủng bố cũng phải vật lộn với đại dịch. Ví dụ, các nhóm khủng bố liên kết với IS đã tuân theo lời kêu gọi bằng cách gia tăng các hoạt động chuẩn bị cho các cuộc tấn công.

Những nhóm liên kết với Al-Qaeda đã làm theo lời khuyên để giữ cho các giáo đoàn không bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Các nhóm cực đoan bạo lực cũng bị phát hiện lạm dụng các khoản quyên góp từ thiện trong đại dịch.

Ngoài ra, trong đại dịch, những kẻ khủng bố vẫn có thể khai thác các tình huống hỗn loạn. Ví dụ, họ có thể tận dụng các biện pháp hạn chế vật lý tại chỗ.

Trên phạm vi toàn cầu, phân tích của Ban điều hành Ủy ban Chống khủng bố của Liên hợp quốc đã đề cập đến những hạn chế đối với việc đi lại quốc tế do ảnh hưởng của COVID-19 có thể tác động đến hoạt động di chuyển của các chiến binh khủng bố nước ngoài.

Về mặt này, chúng ta nên khen ngợi tính hiệu quả của các nhân viên an ninh trong việc kiềm chế hoạt động khủng bố trong đại dịch. Ví dụ, đối mặt với hạn chế di chuyển do các lệnh phong tỏa, lực lượng thực thi pháp luật Indonesia đã phục kích mạng lưới của nhóm Zulfikar Rachman ở một số tỉnh vào ngày 10/4/2020. Nhóm này được xác định đang sản xuất súng đạn, bom tự chế và chuẩn bị kế hoạch cho các hành động khủng bố.

Nhìn chung, các chiến lược chống khủng bố và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở Indonesia cần được xem xét trong một hệ thống được đo lường và duy trì, bao gồm xác định sự cần thiết phải tăng cường các quy trình quản lý trong các nhà tù và nâng cao nhận thức về khả năng xảy ra bạo loạn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bất kỳ xung đột tiềm ẩn nào ở một nhà tù đều có thể tạo ra sự hoảng sợ, bao gồm cả những tù nhân khủng bố.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Indonesia đã ghi nhận hơn 77.000 trường hợp tử vong. Chính phủ Indonesia phải ưu tiên cải thiện hệ thống y tế cho phù hợp tình hình.

Đồng thời, trước tình hình khủng bố dai dẳng ở khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ đại dịch, Indonesia nên cảnh giác với các mối đe dọa có thể xuất hiện.

Do đó, ngoài việc tăng cường chống khủng bố ở trong nước và ngăn chặn các chính sách bạo lực cực đoan, Indonesia phải duy trì, xây dựng trước những kịch bản có thể xảy ra và kích hoạt cơ chế khu vực tập thể để giám sát các phong trào khủng bố, trực tuyến và ngoại tuyến.

Bằng cách này, Indonesia vẫn có thể đóng vai trò là một bên đóng góp tích cực vào việc tạo ra an ninh và hòa bình toàn diện ở khu vực và các nước láng giềng trong tương lai gần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục