Việt Nam thoát đáy

Chủ tịch ADB: Việt Nam đã thoát đáy khủng hoảng

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy khủng hoảng tài chính và đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda nhận định kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.

Chủ tịch Kuroda đưa ra nhận định trên bên lề hội nghị cấp cao với chủ đề “Tác động khủng hoảng của suy giảm kinh tế toàn cầu đến đói nghèo và phát triển bền vững tại châu Á và Thái Bình Dương” - hội nghị đầu tiên về vấn đề này của khu vực diễn ra ngày 28/9 tại Hà Nội.

Tiếp tục giảm nghèo

Ông Kuroda cũng nhận định rằng cùng với sự phục hồi kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam sẽ sớm phát huy tác dụng trở lại.

Theo ông Kuroda, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo tăng trưởng GDP sụt giảm, mang lại những tác động xã hội khôn lường, đặc biệt tới công tác giảm nghèo ở từng quốc gia và đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là người nghèo.

Trong vòng hai năm qua, nhiều cuộc khủng hoảng về giá lương thực, năng lượng và tài chính đã khiến hơn 40 triệu người người ở khu vực châu Á Thái Bình Dương mất việc làm và hơn 60 triệu người rơi vào bẫy đói nghèo.

“Cũng như vậy, công tác xoá đói giảm nghèo gần đây ở Việt Nam bị chững lại. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy khủng hoảng, đang hồi phục, và điều này có nghĩa công tác giảm nghèo sẽ sớm hồi phục”, Chủ tịch ADB nhận định.

Ông Kuroda cho biết mặc dù mức tăng trưởng 4,7% mà ADB dự báo cho Việt Nam trong năm nay “vẫn nằm dưới mức tiềm năng trung hạn,” nhưng nền kinh tế được kỳ vọng sẽ vượt lên tăng trưởng ở mức 6,5% trong 2010 và điều này sẽ “tạo điều kiện hơn nữa cho công tác giảm nghèo.”

Không cần gói kích cầu thứ 2

“Phải nói rằng nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy khủng hoảng và đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Nếu chiều hướng này tiếp tục, sẽ không cần đến một gói kích cầu thứ hai”, chủ tịch Kuroda khẳng định.

Lạm phát đã giảm khá ngoạn mục, nhưng Chủ tịch ADB cũng cảnh báo đang có những dấu hiệu lạm phát quay trở lại và chính phủ Việt Nam cần thận trọng giám sát mức tăng của giá cả trong thời gian tới, nhất là sau khi đã đưa ra một loạt các biện pháp kích cầu kinh tế.

Ông khuyến nghị chính phủ Việt Nam cân nhắc một cách thận trọng giữa triển vọng tăng trưởng và nguy cơ lạm phát, và quyết định các chính sách vĩ mô phù hợp trong những tháng tới.

Tuy nhiên, ông Kuroda cũng đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam luôn gắn kết những chính sách để đảm bảo tăng trưởng bền vững đi đôi với xoá đói giảm nghèo.

Ông cho rằng khủng hoảng cũng bộc lộ những cơ hội để củng cố tăng trưởng kinh tế và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững trong tương lai và “Việt Nam đã bắt đầu tận dụng cuộc khủng hoảng này như một cơ hội, ví dụ để củng cố các ngành công nghiệp trong nước để cạnh tranh ở thị trường bên ngoài và tiến hành nhiều dự án hạ tầng trong đó bao gồm cả hợp phần giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

“Đó là một cách tiếp cận tốt về lâu dài và tôi nghĩ rằng các chính sách và biện pháp mà chính phủ Việt Nam đã áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mang những yếu tố đúng đắn, đóng góp cho sự phát triển bền vững và đồng đều của nền kinh tế quốc gia”, chủ tịch ADB nhận định.

Ông cũng khuyến nghị Việt Nam cũng như các quốc gia khu vực tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường thương mại với khu vực, tối đa hóa lợi ích từ việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và hỗ trợ người nghèo.

Ông cũng khẳng định chính sách dài hạn của ADB là tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế ở Việt Nam, “chủ yếu thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện giáo dục và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.” Về ngắn hạn, ADB cũng vừa ký hiệp định cho Việt Nam vay 500 triệu USD nhằm hỗ trợ ngân sách quốc gia cho năm 2010-2011./.

Hồng Nhung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục