Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định Mỹ sẽ không vỡ nợ

Bà Christine Lagarde cho biết Mỹ là đóng vai trò lớn trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nước này sẽ không để một thảm họa lớn như vỡ nợ xảy ra.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định Mỹ sẽ không vỡ nợ ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde tới dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, ở Washington, DC, Mỹ ngày 13/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trên một chương trình truyền hình của đài CBS, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ.

Bà Lagarde cho biết Mỹ là đóng vai trò lớn trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nước này sẽ không để một thảm họa lớn như vỡ nợ xảy ra.

Nhưng theo bà, nếu kịch bản này thực sự diễn ra, nó sẽ tác động rất tiêu cực đến Mỹ và thế giới.

Hai đảng của Mỹ đang giằng co trong các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của nước này.

[Một số thách thức với nền kinh tế nước Mỹ trong năm 2023]

Nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công, Mỹ có khả năng đối mặt với lần vỡ nợ đầu tiên vào mùa Hè hoặc mùa Thu năm nay.

Bà Lagarde vẫn lạc quan về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho rằng kinh tế sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay.

Bà cho biết các dự báo kinh tế ở thời điểm hiện tại, dù đã giảm nhẹ mức đánh giá, nhưng vẫn tích cực và nhìn chung, nền kinh tế vẫn đang phục hồi.

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine, sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ, cũng như lạm phát cao là những yếu tố gây bất ổn cho đà phục hồi này.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán các ngân hàng sẽ thận trong hơn trong hoạt động cho vay sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng Ba. Xu hướng này đang làm gia tăng những lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng.

Bà Lagarde cho biết ECB sẽ phải đáng giá tác động của hoạt động ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ.

Quan chức này cho hay nếu các ngân hàng không cho vay quá nhiều tiền và nếu họ quản lý được rủi ro thì điều này sẽ giúp ích cho quá trình kiềm chế lạm phát; nhưng nếu tín dụng sụt giảm quá nhiều, thì điều này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng Quốc hội cần nâng trần nợ, nếu không những hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và lâu dài.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cũng cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn khả năng thanh toán tất cả các hóa đơn vào khoảng giữa tháng Bảy và tháng Chín, trừ phi trần nợ ở mức 31.400 tỷ USD hiện nay được nâng lên hoặc ngừng áp dụng.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện muốn trì hoãn việc tăng trần nợ cho đến khi đảng Dân chủ nhất trí cắt giảm mạnh chi tiêu.

Trong khi đó, đảng Dân chủ cho rằng không nên xem trần nợ là điều kiện cho việc cắt giảm chi tiêu như yêu cầu của đảng Cộng hòa.

Bế tắc về trần nợ vào năm 2011 đã gây biến động trên các thị trường và dẫn tới việc Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục