Chủ tịch Fed cảnh báo về hậu quả lâu dài nếu không nâng trần nợ công

Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn khả năng thanh toán tất cả các hóa đơn vào khoảng giữa tháng 7 và tháng 9, trừ phi trần nợ ở mức 31.400 tỷ USD hiện nay được nâng lên hoặc ngừng áp dụng.
Chủ tịch Fed cảnh báo về hậu quả lâu dài nếu không nâng trần nợ công ảnh 1Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C., ngày 1/2/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 7/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng nước này có thể chịu những tác động dài hạn nếu Quốc hội không nâng trần nợ công.

Theo Chủ tịch Fed, Quốc hội cần nâng trần nợ, nếu không những hậu quả mang lại sẽ rất nghiêm trọng và lâu dài.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội tháng trước cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn khả năng thanh toán tất cả các hóa đơn vào khoảng giữa tháng 7 và tháng 9, trừ phi trần nợ ở mức 31.400 tỷ USD hiện nay được nâng lên hoặc ngừng áp dụng.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ngày 1/2 đã có cuộc thảo luận đầu tiên về việc nâng trần nợ công của nước này.

Sau cuộc thảo luận, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết ông và Tổng thống có thể tìm thấy tiếng nói chung, tuy nhiên cuộc thảo luận "không có dấu hiệu đột phá ngay lập tức."

Cùng ngày, các thành viên Hạ viện Mỹ đã họp kín và trong cuộc họp này, nhiều nhà lập pháp Mỹ không tin rằng việc nâng trần nợ là điều nên làm.

Một số người theo đường lối cứng rắn cho biết họ chấp nhận viễn cảnh vỡ nợ nếu như chính phủ không cắt giảm chi tiêu.

Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nếu không trả được nợ.

Bà Yellen tháng trước cho biết trần nợ công của Mỹ đã chạm mốc 31.400 tỷ USD. Bà cho rằng chính phủ cần phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" để tránh nguy cơ vỡ nợ vào sớm nhất là tháng Sáu tới.

Bà Yellen đưa ra bình luận trên khi Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu thực hiện "các biện pháp đặc biệt” để đảm bảo chính phủ không bị vỡ nợ, bao gồm việc tạm thời mua lại các khoản đầu tư hiện có và đình chỉ các khoản đầu tư mới của các Quỹ Hưu trí và Người khuyết tật, Quỹ Phúc lợi y tế hưu trí.

Chủ tịch Fed cảnh báo về hậu quả lâu dài nếu không nâng trần nợ công ảnh 2Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng những công cụ như vậy chỉ có thể giúp ích trong một thời gian ngắn, dự kiến không quá 6 tháng.

Bà Yellen lưu ý rằng thời điểm Bộ Tài chính không còn khả năng sử dụng các biện pháp như trên là "rất không chắc chắn."

Trần nợ là ngưỡng mà Quốc hội Mỹ đặt ra cho chính phủ liên bang, chỉ cho phép chính phủ được vay tiền tới một giới hạn nhất định để trang trải các khoản chi tiêu như trợ cấp an sinh xã hội, lương cho quân nhân, tiền lãi nợ quốc gia, tiền hoàn thuế…

[Mỹ: Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện thảo luận nâng trần nợ công]

Theo quy định của luật pháp Mỹ, mỗi khi tổng số nợ mà Bộ Tài chính vay đã “kịch trần” thì bộ này phải đề nghị Quốc hội nâng trần nợ, nếu không sẽ không được vay thêm.

Do chính phủ Mỹ chi nhiều hơn thu nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngân sách thâm hụt, buộc chính phủ phải đi vay để bù vào khoản thâm hụt đó.

Chỉ Quốc hội Mỹ mới được phép ấn định số tiền mà chính phủ nước này có thể vay và điều này được thực hiện thông qua một cuộc bỏ phiếu.

Trong cuộc lấy ý kiến gần nhất được tiến hành cuối năm 2021, trần nợ của Mỹ đã được ấn định ở mức 31.400 tỷ USD.

Chủ tịch Fed cảnh báo về hậu quả lâu dài nếu không nâng trần nợ công ảnh 3Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, Quốc hội Mỹ cần thống nhất nâng trần nợ. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhất là trong bối cảnh lưỡng viện Mỹ đang chia đôi quyền lực.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện muốn trì hoãn việc tăng trần nợ cho đến khi đảng Dân chủ nhất trí cắt giảm mạnh chi tiêu.

Trong khi đó, đảng Dân chủ cho rằng không nên xem trần nợ là điều kiện cho việc cắt giảm chi tiêu như yêu cầu của đảng Cộng hòa.

Nhận định về nguy cơ Mỹ vỡ nợ, ông James McCormack, trưởng bộ phận đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch, đánh giá Mỹ sẽ một lần nữa ngăn chặn được thảm hoạ này.

Theo chuyên gia tài chính này, kết quả đàm phán sẽ không khác với những lần trước, và vấn đề trần nợ sẽ được giải quyết trước ngày chính phủ Mỹ hết tiền.

Dù vậy, theo ông McCormack, cuộc khủng hoảng trần nợ lần này có thể nguy hiểm hơn những lần trước, khi tình trạng phân cực trong lòng nước Mỹ dường như đã trở nên rõ rệt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục