Ngày 15/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Dự phiên họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại Phiên họp, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến cụ thể về một số nội dung quan trọng của hai Đề án: "Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045," "Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên" do Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và Báo cáo thực hiện "Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015" của Đảng ủy Công an Trung ương.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu sâu sắc, chất lượng, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao tại phiên hop, Chủ tịch nước cơ bản thống nhất cao với nội dung báo cáo tổng hợp của Ban Nội chính Trung ương. Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ nhưng luôn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nêu rõ, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá Đề án "Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" được chuẩn bị công phu, bài bản nghiêm túc, có nghiên cứu, khảo sát thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu đầy đủ góp ý của các cơ quan hữu quan. Mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử là cần thiết phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng xét xử; thực hiện công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao niềm tin của nhân dân vào công lý, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của xã hội khi tham gia các hoạt động tư pháp; thực hiện các cam kết quốc tế mà Tòa án Việt Nam đã tham gia. Tòa án Nhân dân tối cao cũng đã chủ động, tiên phong, tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
[Chủ tịch nước: Tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng cử nhân luật]
Để đạt được mục tiêu có tính khả thi và hiệu quả trong thực hiện, Ban Chỉ đạo cho rằng Đề án cần hoàn thiện, bổ sung một số nội dung như giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng công nghệ cao tác động đến bản chất của vụ án, vụ việc, sự thật khách quan, tính đúng đắn trong quá trình xét xử, việc ra phán quyết của tòa, của thẩm phán khi áp dụng tố tụng trực tuyến; có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tòa án trên không gian mạng, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư trang bị, chi phí xây dựng Tòa án điện tử...
Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu các ý kiến góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và bố trí kinh phí để sớm triển khai thực hiện.
Đề án "Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên" nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật của trẻ em, người chưa thành niên; bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng này, góp phần hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên theo yêu cầu cải cách tư pháp. Ý kiến của phát biểu của các đại biểu cũng cho thấy đây là vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Một số nước có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, 9/10 nước ASEAN đã có luật tư pháp người chưa thành niên.
Kết luận của Ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc về báo cáo thực hiện Công ước quyền trẻ em lần thứ 5 và 6 của Việt Nam vừa được thông qua ngày 19/9/2022 tại Geneva (Thụy Sĩ) đã khuyến nghị Việt Nam cân nhắc xây dựng và ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên nhằm tạo khung khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên.
Ban Chỉ đạo đánh giá cao Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước về tư pháp người chưa thành niên; có khảo sát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật về tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay; chỉ ra được một số hạn chế, bất cập trong thực hiện và làm rõ được nguyên nhân của các hạn chế, bất cập đó.
Nhấn mạnh tư pháp người chưa thành niên là một chính sách lớn, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với thế hệ tương lai, Chủ tịch nước đề nghị Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Ban Chỉ đạo, tham khảo thêm ý kiến của các bộ, ngành, địa phương; đánh giá tác động thực tiễn của dự án luật này cũng như đối với việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa Đề án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đánh giá cao Đảng ủy Công an Trung ương cùng một số bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện "Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015."
Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng có ý nghĩa cải cách tư pháp, góp phần bảo đảm tính minh bạch trong quá trình tố tụng, chống bức cung, nhục hình, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân; đồng thời bảo vệ cán bộ điều tra, tránh bị vu khống có hành vi bức cung nhục hình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch nước, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương này, trước mắt Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất lộ trình thực hiện, phù hợp với khả năng đáp ứng Ngân sách Nhà nước, năng lực thực thi của cán bộ và xác định những trường hợp cần ưu tiên áp dụng...; đồng thời, báo cáo Quốc hội, Chính phủ kịp thời cấp kinh phí để bảo đảm tiến độ và hiệu quả của Đề án.
Về một số nhiệm vụ khác, Chủ tịch nước lưu ý thành viên Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức do mình phụ trách tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao với chất lượng và hiệu quả cao nhất; rà soát các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới liên quan đến công tác tư pháp và cải cách tư pháp để xây dựng các Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này./.