Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Phú Thọ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phần đầu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Phú Thọ ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tối 30/12, tại thành phố Việt Trì, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh (1891-2016), 20 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Thọ (1/1/1997-1/1/2017) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai). Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Dự Lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Cùng dự Lễ kỷ niệm có các Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo một số tỉnh, thành, bộ, ban, ngành Trung ương, đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh sau 125 năm thành lập, đặc biệt là sau 20 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ vô cùng tự hào, phấn khởi trước những thành tựu to lớn, cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Trong 20 năm tái lập, tỉnh Phú Thọ đã thu hút được 446 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn gần 33,5 nghìn tỷ đồng, 115 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng giá trị trên 660 triệu USD. Đây là những con số minh chứng cho nỗ lực cải cách hành chính, tạo lập môi trường thu hút đầu tư thuận lợi của tỉnh.

Sản xuất công nghiệp của tỉnh Phú Thọ có bước phát triển khá, giá trị sản xuất năm 2016 tăng 8,4 lần so với năm 1997, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc và đứng thứ ba trong các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Lĩnh vực công nghiệp đã khai thác, phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh với 5 nhóm ngành thế mạnh: Chế biến nông-lâm sản; thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón; hàng may mặc xuất khẩu. Tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp tập trung (hơn 2.156 ha) và 25 cụm công nghiệp (1.100 ha).

Lĩnh vực du lịch đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển đột phá, đã hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục-thể thao được quan tâm. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ cũng nhận thấy còn những tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục: Phú Thọ vẫn là tỉnh nghèo; quy mô kinh tế còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều dự án có năng lực sản xuất lớn, hàm lượng giá trị gia tăng cao; lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đặt quyết tâm nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt bốn khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và du lịch để kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất, trao bằng công nhận cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Phú Thọ là vùng Đất Tổ cội nguồn của dân tộc, nơi đây các Vua Hùng đã dựng nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của Việt Nam. Vùng đất Phú Thọ hiện còn lưu giữ và bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc gắn với thời đại các Vua Hùng, tiêu biểu là “Hát xoan - Phú Thọ,” “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Các di tích khảo cổ: Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Làng Cả chứa đựng nhiều dấu ấn văn minh người Việt cổ và tiến trình lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vui mừng nhận thấy, Phú Thọ từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn..., đến nay đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 76%; du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, diện mạo các vùng đô thị, nông thôn khởi sắc; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đưa Phú Thọ thoát khỏi tỉnh nghèo.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã trải qua hơn 30 năm và đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ ra sức phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế, bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững. Tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên phát triển các ngành có thế mạnh, sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, giá trị gia tăng cao, công nghệ thân thiện môi trường; phát triển du lịch bền vững.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh Phú Thọ chú trọng xây dựng và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp xanh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; thu hút các dự án đầu tư có tính kết nối liên vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; tích cực giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với đó, Phú Thọ cần tập trung phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển nghệ thuật tiên tiến, đậm nét văn hóa vùng Đất Tổ; phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ thường xuyên củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại; tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát dân; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.

Đi cùng với đó là nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, với bề dày lịch sử, văn hiến, truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ sẽ nỗ lực xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục